Thursday, January 10, 2013

MẶT TRỜI KHÔNG BAO GIỜ LẶN BÊN TRÊN LÁ CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ

  
Hiện nay, người Việt hải ngoại sống rải rác khắp các nơi trên thế giới. Không kể dân số trong nước, người Việt hải ngoại ít nhất cũng gần 3 triệu người. Riêng tại thành phố Toronto và vùng phụ cận khoảng 80,000 người. Ở khắp mọi nơi, người Việt họp thành những cộng đồng đang càng ngày càng lớn mạnh. Mỗi cộng đồng đều có một biểu tượng riêng. Nhìn vào biểu tượng đó, người ta biết nguồn gốc, văn hóa, căn tính của mỗi cộng đồng. Ngược lại, từ nguồn gốc, văn hóa của cộng đồng, người ta cần tìm một mẫu số chung để chọn biểu tượng cho cộng đồng.
      Vậy mẫu số chung để có thể trở thành biểu tượng của cộng đồng người Việt hải ngoại hiện nay là gì?

   Trước hết, cộng đồng người Việt hải ngoại gồm có các thành phần sau đây:
      
    1) Những người ra đi trước biến cố 30-4-1975. 
     2) Những người vượt biên sau biến cố 30-4-1975. 
    3) Những người được bảo lãnh.
     4) Những người xuất khẩu lao động.


 Trước năm 1975, hai đợt người ra đi chính: Đợt thứ nhất gồm những người do nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương tuyển mộ và đưa sang Pháp từ năm 1915 đến năm 1919, khoảng 100,000 người trong đó khoảng một nửa là lính chiến đấu, một nửa là lính thợ (ouvrier non spécialisé gọi tắt là ONS). (Hoàng Cơ Thụy, Việt sử khảo luận tập 3, Paris: Nxb. Tân Á, 2002, tr. 1673.) Sau thế chiến thứ nhất, một số trở về và đa số ở lại Pháp. Đợt thứ hai là những du học sinh từ năm 1949 đến năm 1975, không phải chỉ đi Pháp mà còn đến các nước khác trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, New Zealand…Khi xảy ra biến cố 30-4-1975, hầu hết đều ở lại nước ngoài.

     Sau biến cố 30-4-1975, nhiều người vượt biên tỵ nạn cộng sản bằng đường biển hay bằng đường bộ. Cuộc vượt biên kéo dài từ 1975 đến 1995, có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ 1975 đến 1989 là năm Cao uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ra lệnh khóa sổ các trại tỵ nạn. Giai đoạn thứ hai từ 1989 đến 1995. Từ năm 1996, CUTNLHQ đóng cửa vĩnh viễn các trại tỵ nạn. Cuộc vượt biên trong giai đoạn thứ hai khó khăn hơn vì phải trải qua “thanh lọc” tư cách tỵ nạn, mới được nhận đi định cư. Tổng số người vượt biên đến định cư được ở nước ngoài lên đến gần 1 triệu người và số người tử nạn trên đường vượt biên, không đến được miền đất tự do, khoảng 500,000 người. (Các số liệu nầy theo Người Việt Online ngày 28-10-2004.)
Những người vượt biên, một khi đã ổn định cuộc sống ở một nước khác, bắt đầu bảo lãnh thân nhân ra nước ngoài. Đó là những người ra đi theo chương trình O.D.P. (Orderly Departure Program). Ngoài ra, còn có một số khá lớn những người đi theo chương trình HO là chữ mà người Việt thường dùng để gọi chương trình The Special Released Reeducation Center Detainee Resettlement Program (Chương trình đặc biệt tái định cư cựu tù cải tạo được phóng thích), bắt đầu từ năm 1989, do chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận cho các nhân viên và quân nhân chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bị ba năm tù cộng sản trở lên và gia đình, tái định cư tại Hoa Kỳ.
Cuối cùng, cộng đồng người Việt hải ngoại còn có những sinh viên du học hay công nhân xuất khẩu lao động qua Liên Xô và Đông Âu, xin tỵ nạn ở các nước ngoài khi chế độ cộng sản sụp đổ tại Liên Xô và các nước Đông Âu năm 1991. Số liệu trong nước cho biết số nầy lên đến 300,000 người. Sau đó, nhiều người trong số nầy tìm cách chuyển qua sinh sống ở Tây Âu và Bắc Mỹ.

     Như vậy, dù ra đi trước năm 1975, dù vượt biên sau năm 1975, dù bảo lãnh, HO hay xuất khẩu lao động, người Việt ở hải ngoại nói chung đều là những người không muốn sống dưới chế độ cộng sản Việt Nam, ra nước ngoài để tìm một đời sống tự do mới ở nước ngoài, có thể nói chung là những người tỵ nạn cộng sản hoặc bất đồng với chế độ cộng sản. Nếu không bất đồng với chế độ cộng sản, thì người ta đã về nước sinh sống sau năm 1975, khi đất nước do chế độ cộng sản kiểm soát. Có một điểm cần lưu ý là sau năm 1975, nếu có người nào nói rằng vượt biên hay ra nước ngoài vì lý do kinh tế, thì chắc chắn Cao uỷ tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đã trả người đó về Việt Nam, hoặc chính các nước bảo trợ cũng không chấp nhận cho đến tỵ nạn kinh tế.
Tuy nhiên, giả thiết như, xin nhấn mạnh chỉ giả thiết mà thôi, có một người can đảm tự nhận ra đi vì lý do kinh tế, có nghĩa là chế độ cộng sản ở trong nước không tạo được điều kiện để cho người đó sinh sống, hay nói cách khác người đó hoặc bất đồng với chế độ cộng sản, hoặc là nạn nhân kinh tế của chế độ cộng sản, nên mới kiếm cách bỏ ra nước ngoài sinh sống. Vậy người đó không phải là nạn nhân chính trị, thì cũng có thể xem là nạn nhân kinh tế của chế độ cộng sản.

      Như thế, có thể nói tính chất chung của người Việt hải ngoại là những người tỵ nạn cộng sản, dù ra đi từ Bắc hay Nam Việt Nam, dù trước hay sau năm 1975, dù vượt biên hay bảo lãnh, dù là vì lý do chính trị hay lý do kinh tế. Vậy biểu tượng chung cho người Việt hải ngoại, dầu ra nước ngoài vì bất cứ lý do nào, chắc chắn không phải là lá Cờ đỏ sao vàng, biểu tượng của chế độ đã gây ra cảnh tỵ nạn.
Trên thế giới, lá Cờ đỏ sao vàng chỉ được treo trong các tòa đại sứ hay lãnh sự Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN). Các tòa đại sứ hay lãnh sự CHXHCNVN ở hải ngoại nói cho cùng chỉ đại diện cho nhà cầm quyền Hà Nội, phụ trách công việc giao dịch của chế độ cộng sản, chứ chẳng phải là đại diện cho người Việt ở hải ngoại. Hiện nay chế độ CHXHCNVN hầu như không có hay có rất ít công dân ở hải ngoại. Đồng bào Việt Nam ở hải ngoại đều là những người tỵ nạn cộng sản, trốn tránh cộng sản như trốn tránh ác quỷ, và người Việt hải ngoại đều đã nhập quốc tịch các nước sở tại, tức là công dân các nước ngoài, chẳng cần gì đến sự giúp đỡ của các tòa đại sứ hay lãnh sự CHXHCNVN.
Ví dụ một người gốc Việt, có quốc tịch Canada hay Hoa Kỳ, tức công dân của hai nước nầy, đi du lịch, làm ăn buôn bán tại các nước trên thế giới, nếu có vấn đề gì trở ngại hay tai nạn nào, thì tòa đại sứ các nước nầy sẽ can thiệp, giúp đỡ hay bênh vực cho công dân của mình, chứ đâu cần đến tòa đại sứ cộng sản Việt Nam.
Tại tòa đại sứ CSVN, thỉnh thoảng có người đến làm giấy tờ xin đi Việt Nam, không phải với tư cách công dân Việt xin về nước, mà với tư cách công dân nước ngoài đến liên hệ với tòa đại sứ của nước mà người đó muốn đi du lịch mà thôi. Cũng giống như chúng ta muốn du lịch các nước Âu Châu hay Nam Mỹ, chúng ta phải đến liên hệ với tòa đại sứ các nước nầy.
Lá cờ tượng trưng cho những người tỵ nạn cộng sản, dù là tỵ nạn chính trị hay tỵ nạn kinh tế, không gì khác hơn là biểu tượng của những nạn nhân cộng sản. Thích hợp nhất cho biểu tượng nầy chính là lá Cờ vàng ba sọc đỏ, vì lá cờ nầy đã từng là lá cờ trên toàn cõi Việt Nam, cả Bắc và Nam Việt Nam từ năm 1948, chứ không phải riêng của miền Nam sau năm 1954, và lá cờ nầy cũng là nạn nhân của chế độ cộng sản Việt Nam.
Hiện nay, nơi nào có cộng đồng người Việt, thì nơi đó có lá Cờ vàng ba sọc đỏ tung bay. Cộng đồng người Việt sinh sống khắp nơi trên thế giới, bao quanh quả địa cầu. Suốt ngày (24/24), không chỗ nầy thì chỗ khác, vòng quanh quả đất, khi nào cũng có lá Cờ vàng ba sọc đỏ phất phới dưới ánh mặt trời.

 Như thế, thực tế cho thấy rằng mặt trời tỏa sáng quanh năm trên lá Cờ vàng ba sọc đỏ, nếu chúng ta không quá hãnh tiến để nói rằng 
MẶT TRỜI KHÔNG BAO GIỜ LẶN BÊN TRÊN LÁ CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 24-3-2009)

No comments:

Post a Comment