Saturday, April 27, 2013

Người Việt & hành trình tự do sau 1975



Tác Giả
Thanh Dũng
   Nhân dịp kỷ niệm 30-4, trang Ghi Nhận Trong Tuần xin tạm dừng loạt bài về luật y tế mới ở Hoa Kỳ, để mời quý độc giả thăm lại một biến cố hệ trọng của lịch sử Việt Nam. Ngày 30-4-1975 kết liễu quốc gia Việt Nam Cộng Hoà đã dẫn đến cuộc ly hương lớn lao, đẩy hằng triệu người Việt tản mác khắp thế giới. Trong cuộc đào thoát vô tiền khoáng hậu này, nổi bật nhất hình ảnh thuyền nhân Việt, quen thuộc với cộng đồng quốc tế qua biệt danh "Boat People".

alt

   Làn sóng người Việt tị nạn sau ngày Sài Gòn thất thủ có thể chia làm 2 giai đoạn chánh. Đợt thứ nhất, ngay sau khi cộng sản cưỡng chiếm cả Đông Dương bằng võ lực cuối Tháng Tư năm 1975. Nhiều người Việt lập tức ra đi. Khởi sự ngày 22-4-1975, với Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu từ nhiệm, Thượng Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu chấp thuận ân xá 150,000 dân chúng Đông Dương, trong đó bao gồm ít nhất 50,000 người Việt thuộc diện "rủi ro cao"; tánh mạng cá nhân và gia đình bị trực tiếp đe doạ, một khi các binh đoàn cộng sản từ bưng biền, rừng núi, kéo  ra tiến chiếm các thành phố Miền Nam. Số người này được chánh phủ HK giúp di tản.

   Ngoài ra, hằng chục ngàn người khác tự ra đi trên các tàu thuyền, phi cơ. Những ngày sau 30-4-1975, họ được Hải Quân HK đưa sang đảo Guam, một lãnh thổ HK giữa Thái Bình Dương, rồi dần dần tái định cư. Đạo luật đặc xá 1975 của HK đã bảo đảm mở cửa tiếp nhận người tị nạn Việt, cho phép chánh phủ liên bang tái định cư trên 130,000 người Việt di tản vào giờ phút chung cuộc của Miền Nam Tự Do.

Về phần Liên Hiệp Quốc, ngay từ đầu Tháng Năm 1975, Cao Ủy Tị Nạn LHQ (UNHCR) đã phát lời cấp cứu toàn cầu. Để đáp trả, khoảng 25 quốc gia ra tay giúp tái định cư thêm 12,000 người Việt nữa. Những nỗ lực vừa kể trên là khúc dạo đầu của nhiều chương trình tái định cư người Việt tị nạn kéo dài khoảng một phần tư thế kỷ, mang quy mô quốc tế, tốn kém bậc nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

Đợt tị nạn lớn thứ hai diễn ra chánh yếu từ 1978 đến giữa thập niên 1980. Thuyền nhân Việt đã bất chấp nguy hiểm, liều mạng sống, vượt đại dương trên những ghe thuyền mong manh. Đa phần các ghe thuyền nguyên thuỷ được đóng để đi lại trên sông ngòi kinh rạch, không phải đi biển. Nhưng trên thực tế đã đưa khoảng 2 triệu thuyền nhân cập bến các lân bang trong vùng. Vào lúc cao nhất, có đến 50,000 thuyền nhân "vượt biên" mỗi tháng đến được các trại tạm cư. Chỉ riêng trên vùng hải phận quốc tế ngoài khơi VN, từ 1975 đến 1978, Cao Uỷ Tị Nạn LHQ (UNHCR) thống kê thương thuyền của trên 30 nước đã cứu vớt khoảng 8,700 con thuyền vượt biển. Những quốc gia mã thượng nhất có thể kể Na Uy (Norway), Hoà Lan (Netherlands), Anh Quốc (United Kingdom)... Nhiều thuyền nhân may mắn cũng gặp được các chiến hạm Hoa Kỳ thuộc Đệ Thất Hạm Đội, cách riêng là chiến hạm USS Whipple.


alt

Khu Lewisham ở London tập trung người gốc Việt đông đảo nhất ở Anh Quốc. Trong vùng này, tiếng Việt phổ biến chỉ sau tiếng Anh bản xứ.

Qua các đợt thuyền nhân, chỉ có vài trăm người đi đến tận Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn. Đa phần còn lại cập bến các xứ lân bang, đông nhất tập trung ở: Malaysia, Thailand, Indonesia, Hong Kong, Philippines. Vào cuối 1978, hơn 60,000 thuyền nhân cùng lúc có mặt tại 9 quốc gia Đông Nam Á. Đến Tháng Bảy 1979, con số này lên 350,000 người.

UNHCR thiết lập và điều hợp hằng chục trại tị nạn tạm cư quanh Đông Nam Á, đón nhận thuyền nhân Việt, rồi tái định cư họ tại các đệ tam quốc gia. Những trại tị nạn chánh ở Philippines (Bataan, Palawan, Morong,...); ở Thailand (Khao I Dang, Songkla, Suan Plu, Leam Sing,...); ở Hongkong (Whitehead, Chimawan, Tai Achau, Green Island, Macau,...) Hong Kong đón nhận đợt thuyền nhân đầu tiên vào Tháng Năm 1975, với khoảng 3,800 người được tàu Đan Mạch (Denmark) Clara Marsk chở tới. Vào lúc cao điểm giữa thập niên 1980, các trại tị nạn Hong Kong chứa trên 100,000 thuyền nhân Việt.

Các trại tị nạn ở Indonesia: Galang 1, Galang 2, Bahala, Letung, Kuku, v.v... Galang là trại tiếp nhận thuyền nhân chánh yếu của Indonesia từ 1979 đến 1996. Khoảng 250,000 thuyền nhân Việt từng tạm cư ở đây  thời gian này. Trại Galang đóng cửa vào Tháng Chín 1996.

Các trại tị nạn ở Malaysia: Pulau Bidong, Pulau Tengah, Pulau Besar,  Kuantan, v.v... Pulau Bidong là trại chánh, mở cửa năm 1975. Trại này chỉ xây để tiếp nhận 12,000 người, nhưng đến hè 1979, đã chứa đến 420,000 thuyền nhân Việt. Pulau Bidong đóng cửa năm 1991. Người tị nạn Việt cuối cùng rời Malaysia hồi hương vào năm 2005.

alt

Giếng nước đời tị nạn - trại Pulau Bidong thời 1980.

Một số thuyền nhân Việt may mắn từng dừng chân ở 1 trại tị nạn  Singapore đặt tại số 25 Hawkins Road, Sembawang. Trại mở cửa năm 1978, vốn là một trại lính Anh xưa kia. Nơi đây tiếp nhận khoảng 5,000 thuyền nhân Việt, phần lớn là những người được các thương thuyền vớt trên hải phận quốc tế đưa về. Trại Hawkins Road Camp chánh thức đóng cửa năm 1996.

Trong các trại tị nạn thời đó, trại Hawkins Road Camp của Singapore được xem là tốt nhất. Những trại Hong Kong cũng được UNHCR đánh giá cao. Ngược lại, các trại tị nạn trên đất Thái Lan tồi tệ nhất. Họ cũng thường cấm cửa, không cho thanh tra LHQ hoặc Hồng Thập Tự Quốc Tế đến giám sát.

alt

Bộ Trưởng Nội Vụ Singapore (áo trắng bên trái) Chua Sian Chin thị sát trại tị nạn dành cho thuyền nhân Việt trên đảo St. John’s Island. photo credit: the 2nd decade national building in progress 75-85

Trung bình, mỗi thuyền nhân và gia đình sống 12 tháng ở các trại tạm cư, nhưng nhiều người đã mắc kẹt hằng năm trời. Tại những trại này, thuyền nhân được học ngoại ngữ, chánh yếu tiếng Anh qua các lớp "ESL"; làm quen nếp sống và cách ứng xử Tây Phương qua các lớp "Cultural Orientation (CO)"; và huấn nghệ, phương cách tìm việc làm qua các lớp "Work Orientation (WO)".

Từ các trại tạm dung này, thuyền nhân Việt được bảo trợ đến các đệ tam quốc gia, hầu hết là các nước Tây Phương và Úc Châu (Australia). Tính chung, Hoa Kỳ tiếp nhận khoảng 900,000 người; Canada, Úc và Pháp Quốc (France) nhận chừng nửa triệu người; khoảng 250,000 người Việt gốc Hoa về lại Hoa Lục; và 100,000 người đến các nước khác...

alt

Thời cuối thập niên 1970, đầu 1980, cộng đồng quốc tế, cách riêng trường hợp Úc Châu, đã mở rộng vòng tay, dành cho thuyền nhân Việt nhiều ưu ái, biệt đãi. Ảnh News Limited

Buổi ban đầu của làn sóng thuyền nhân, không phải quốc gia lân bang nào cũng mở rộng vòng tay đón thuyền nhân Việt. Singapore là nước đầu tiên ngăn cản thuyền nhân vào cảng nước họ. Thay vào đó, hải quân Singapore cung cấp dầu, nước uống,  và thức ăn, rồi đẩy ghe thuyền "vượt biên" ngược ra biển. Các nước Đông Nam Á khác mau lẹ bắt chước, như Thailand và Malaysia. Ngay cả khi thuyền nhân đã cập bến, ghe thuyền của họ cũng bị kéo ngược ra khơi.

Đối phó với tình trạng này, UNHCR họp phiên đặc biệt Tháng Tám 1979. Nhằm trấn an các nước Đông Nam Á, khuyến khích họ chấp nhận làm nơi tạm cư, nhiều nước Tây Phương cam kết tiếp nhận thuyền nhân VN được cứu vớt trên biển. Nhờ có sự kiện này, nhiều thương thuyền quốc tế mạnh dạn hơn, vớt thuyền nhân, đưa vào các cảng quanh vùng, rồi mới tiếp tục cuộc hải hành. Hầu hết các vụ xua đuổi thuyền nhân cũng không còn tiếp tục.

alt

Một góc nghĩa trang và đền tưởng niệm trên đảo Galang, Indonesia. Một số thuyền nhân Việt phải nằm lại trên đất tạm dung, xa quê nhà, chưa kịp đến bờ Đất Hứa.

Sự kiện thuyền nhân Việt liều chết tìm đường sống đã đánh động cả thế giới, đưa đến 2 cuộc hội nghị quốc tế lớn. Hội nghị quốc tế lần thứ nhất diễn ra tại Geneva, Thuỵ Sĩ (Swiss) vào Tháng Bảy 1979. TT Hoa Kỳ Jimmy Carter kêu gọi nhóm họp đặc biệt. Tổng Thơ Ký LHQ khi đó là ông Kurt Waldheim gởi thơ mời trên 70 nước tham dự. Kết quả: Khoảng 20 quốc gia tái cam kết tiếp nhận người tị nạn một cách rộng rãi. Nhiều nước đồng ý mở chương trình ra đi trong trật tự dành cho người Việt tị nạn. Chương trình trứ danh này mang tên Orderly Departure Program (ODP). Dưới nhiều áp lực, đại diện Hà Nội cũng chấp thuận ODP. Chương trình tuy đặt dưới sự bảo trợ của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ (UNHCR), nhưng mỗi quốc gia can dự có các tiêu chuẩn và cách làm khác nhau. Cùng mục đích đưa người Việt tái định cư, chương trình ODP của Hoa Kỳ vận hành khác ODP của Canada hay ODP của Úc, v.v... Đây là các chương trình rất hiệu quả. Có chúng, không ít thuyền nhân đi trước đã khuyến cáo người thân còn ở lại VN kiên nhẫn, thôi mạo hiểm, tránh những tổn thất vô song trên đường vượt biển.

Nhờ hội nghị này, các năm 1979 và 1980, số người Việt tị nạn được tái định cư khắp thế giới tăng từ 125,000 lên 260,000 mỗi năm. Riêng Hoa Kỳ nhận người Việt tị nạn tăng gấp đôi, từ 7,000 lên 14,000 mỗi tháng (khoảng 170,000 người mỗi năm). Hội nghị cũng là nỗ lực tầm cỡ thế giới đầu tiên tìm cách giải quyết vấn đề người Việt tị nạn một cách hệ thống. Nhật Bổn (Japan) mặc dù không phải là nước tiếp nhận nhiều người tị nạn, trên thực tế lại là nhà tài trợ rộng rãi nhất. Trong khi chỉ nhận 11,000 người Việt tị nạn, người Nhật đóng góp trên 50% cho ngân quỹ của các chương trình tái định cư.

Hội nghị quốc tế lần thứ hai vào Tháng Sáu 1989, cũng bao gồm khoảng 70 nước, đưa đến thoả thuận quan trọng gọi là Comprehensive Plan of Action (CPA). Vào thời điểm này, mục đích của CPA là không tiếp tục khuyến khích thuyền nhân, mà thúc đẩy chương trình ra đi trong trật tự. Đối với thuyền nhân đang tạm cư ở các trại tị nạn, CPA thiết lập các tiêu chuẩn thanh lọc. Ai hội đủ điều kiện được đi thẳng đệ tam quốc gia. Những người khác nhận tài trợ, được khích lệ hồi hương, trở về VN, rồi xúc tiến hồ sơ tái định cư trong các chương trình ra đi được mở rộng. Trong thời gian thanh lọc, CPA quy định các nước tạm cư Đông Nam Á vẫn tiếp nhận thuyền nhân. Kết quả sau hội nghị này, số người Việt ra đi giảm hẳn, từ 70,000 người năm 1989 xuống còn vỏn vẹn chừng 40 người năm 1992. Chương trình CPA chánh thức kết thúc tháng 6-1996. Có trên 80,000 thuyền nhân tại các trại tị nạn đã về lại VN, nhiều người sau đó tái định cư ở đệ tam quốc gia.

alt

Trên phương diện công pháp quốc tế, sự kiện thuyền nhân Việt thậm chí khiến nhiều quốc gia thay đổi định nghĩa lẫn quy chế dành cho "người tị nạn". Về phần LHQ đã thiết lập các chương trình khổng lồ giúp tạm cư và tái định cư người tị nạn. Nhờ các phối hợp này, đến 1999, khoảng 1.8 triệu người Việt rời quê cha đất tổ đã đến được bờ Đất Hứa -- là các đệ tam quốc gia -- bao gồm Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Canada, Úc Châu (Australia), và nhiều nước khác... Tại đây, qua thời gian, người Việt ly hương đã tạo dựng nhiều cộng đồng tị nạn khá lớn, đáng kể nhất ở Mỹ.

Có một điểm đến rất đặc biệt với thuyền nhân Việt là Úc Châu. Con thuyền "vượt biên"  đầu tiên đến Úc Châu vào Tháng Tư 1976 chỉ gồm 5 thuyền nhân. Trong 5 năm tiếp theo, có gần 2,100 ghe thuyền mong manh từ VN đã cập bến nước Úc. Năm 1982, chánh phủ Úc cũng mở chương trình ODP. Cả thảy trên 90,000 người Việt tị nạn đã đến Úc qua con đường này. Đến nay, dân số người gốc Việt ở Úc Châu lên khoảng 175,000, tập trung đông nhất quanh các vùng Melbourne, Sydney, Brisbane...

Nhóm thuyền nhân Việt đầu tiên đến Đức Quốc cuối 1978,  với khoảng 650 người đáp xuống Hanover. Những năm sau này, Đức Quốc nhận vào khoảng 40,000 dân tị nạn Việt Nam. Anh Quốc đón các thuyền nhân Việt đầu tiên vào Tháng Mười 1978, với 150 người Việt tị nạn đến Sevenoaks. Đến 2001, thống kê dân số "UK Census" ghi nhận đã có khoảng 23,500 người gốc Việt, với 65% ra đi từ miền Bắc, đa phần gốc Hải Phòng. Ước lượng có ít nhất 90,000 người Việt khác sanh sống bất hợp pháp tại Anh (số lớn đến từ các nước Đông Âu, có thể là hệ luỵ của các chương trình "lao động hợp tác" giữa Hà Nội và khối cộng sản cũ). Ở Anh, đa phần người gốc Việt cư ngụ quanh London, Birmingham, Leeds, Manchester...

Trong những bàn tay giúp thuyền nhân Việt, quan trọng bậc nhất phải kể Cao Uỷ Tị Nạn LHQ. Chính UNHCR thiết lập các trại tạm cư quanh Đông Nam Á, tạm thời tiếp nhận thuyền nhân Việt. Để gánh vác sứ mạng này, ngân sách UNHCR tăng từ $80 triệu năm 1975 lên $500 triệu năm 1980. Năm 1981, một phần nhờ các nỗ lực cứu trợ và bảo vệ thuyền nhân Việt trên Biển Đông, UNHCR được trao giải Nobel Hoà Bình.

Cuộc ra đi của thuyền nhân Việt bắt đầu lẻ tẻ từ 1975, rồi bùng phát dữ dội mấy năm sau. Đến cuối năm 1979, tổng cộng trên 700,000 thuyền nhân đã rời VN. Các chuyến lênh đênh trên Biển Đông có khi kéo dài 6 tháng, thậm chí lâu hơn. Nhiều thuyền nhân không chỉ trải qua đói, khát, bịnh tật, sóng to gió lớn, mà cả thảm nạn hải tặc cướp phá. Đa phần hải tặc là ngư phủ thuộc sắc dân thiểu số Thái-Mã, nghèo túng, ít học, sanh sống ở miền cực Nam Thái Lan, gần như là vùng bán tự trị, đầy dẫy tội phạm hoành hành. Trong cơn biến động lịch sử, thuyền nhân Việt tay không tấc sắt, chẳng may đã trở thành nạn nhân thảm khốc dưới tay số người này.

Chỉ riêng năm 1981, UNHCR ước lượng hơn 80% số ghe thuyền đến được đất Thái đã bị hải tặc tấn công. Nhiều ghe thuyền thậm chí bị hãm hại nhiều lần trước khi vào bờ. Chánh phủ Thái chủ yếu làm ngơ. Sau khi bị quốc tế áp lực, kèm theo viện trợ nhiều triệu Mỹ kim, Hải Quân Hoàng Gia Thái mới cho tàu tuần tra ra biển. Nhờ vậy, 2 năm 1982 và 1983, số ghe thuyền của thuyền nhân Việt bị hải tặc bạo hành giảm xuống còn 65% và 56%.

Nhiều năm về sau, Cao Uỷ Tị Nạn LHQ ước lượng có khoảng 200,000 đến 400,000 người Việt đã bỏ mình hoặc mất tích trên Biển Đông, hoặc trong các khu rừng khắp Đông Dương. Trên thực tế, khó có cá nhân  hoặc tổ chức nào thống kê chính xác được nỗi mất mát của người Việt, về nhân mạng, của cải, lẫn tinh thần, trong cuộc đào thoát nền cai trị hà khắc của người cộng sản tại quê nhà sau 1975. Sự kiện này vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống nhiều  triệu người Việt đương thời.

No comments:

Post a Comment