Saturday, December 28, 2013

Việt Dzũng, niềm thương nhớ khôn nguôi



Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-12-28
vietdzung-305.jpg
Ca nhạc sĩ Việt Dzũng.
File photo


Em gửi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gửi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đày


Gửi về cho chị dăm ba xấp vải
Chị may áo cưới hay chị may áo tang
Gửi về cho em kẹo bánh thênh thang
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng

Con gửi về cho cha một manh áo trắng
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây
Gửi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình

Những năm đầu thập niên 80 có lẽ không bài hát nào nổi tiếng, được biết và được hát nhiều tại hải ngoại như nhạc phẩm Một Chút Quà Cho Quê Hương, do Việt Dzũng sáng tác.

Trọn đời tranh đấu cho dân chủ

Sau năm 1975 hàng loạt thuyền nhân Việt Nam bỏ nước ra đi đã góp vào trang sử lưu vong của thế giới một chương mới mang tên Thuyền nhân Việt Nam. Vượt qua bão tố, thần chết và chia ly để rồi khi đến được bến bờ tự do những con người khốn khổ ấy lại đối diện với một bất hạnh khác, bất hạnh của kẻ lưu vong không biết bao giờ trở lại quê hương trong khi tại quê nhà cha, mẹ vợ hay chồng có khi là con cái, anh em vẫn ngày ngày mòn mỏi.
Việt Dzũng như hàng trăm ngàn thuyền nhân khác tận tụy làm việc để gửi về quê nhà những món quà nhỏ bé mà trong thời kỳ ấy không khác gì những viên thần dược có thể cứu vớt được hàng ngàn gia đình qua cơn hấp hối của nền kinh tế suy kiệt.
Trời sinh ra anh có một tinh thần sắc đá nhưng lại có một trái tim nhân ái. Có lẽ vì Dzũng được sinh ra với một trái tim như vậy cho nên anh dễ xúc động trước những hoàn cảnh, những khổ đau của nhân loại.
-Nhạc sĩ Nam Lộc
Nhưng trong từng món quà nhỏ bé ấy của Việt Dzũng là những thông điệp về sự cùng quẫn tinh thần, là tội ác của bên thắng cuộc. Việt Dzũng đã thẩm thấu nỗi tủi nhục của người còn lại để anh có thể xuất thần viết nên một nhạc phẩm mà cho tới nay đã hơn ba mươi năm nhưng lời nhạc vẫn đau đáu đối với một số người.
Nếu nói sự nổi tiếng của anh dính liền với hoạt động tranh đấu cũng không sai, thế nhưng khó mà phân biệt đâu là một Việt Dzũng tranh đấu không khoan nhượng đối với những sai trái của chính quyền mới và đâu là nét dí dỏm, cường tráng đầy chất nghệ sĩ nơi một con người vừa là nhạc sĩ, nhà truyền thông và sở hữu một giọng ca không hề lép vế trước bất cứ một ca sĩ chuyên nghiệp nào. Việt Dzũng tài năng đã đành, nét tài hoa của anh khiến nhiều người ngưỡng mộ và đâu đó trong lòng họ tự hỏi không biết con người này còn một bí ẩn nào mà dư luận chưa biết tới hay chăng?

    Nếu có sự bí ẩn có lẽ đó câu hỏi mà nhiều người đặt ra cần giải đáp: tại sao một người tài hoa như anh, gia đình và bản thân anh chưa bao giờ bị bạc đãi bởi nhà cầm quyền Việt Nam tuy cha anh là một Thiếu tá bác sĩ quân y, kiêm Dân biểu thời Đệ nhị Cộng hòa nhưng ông và gia đình sang Mỹ rất sớm, từ năm 1976, vậy thì động lực nào thúc đẩy Việt Dzũng khước từ những cơ hội khác của nước Mỹ đã dành cho anh để lao vào cuộc chiến chống lại nhà nước Việt Nam không mệt mỏi để đến nỗi bị kết án tử hình khiếm diện?

Nhạc sĩ Nam Lộc, người cũng nổi tiếng với nhạc phẩm Sài gòn Vĩnh biệt có thời gian làm việc chung với Việt Dzũng hơn ba mươi năm chia sẻ những nhận xét của ông về câu hỏi này:

165959-vietDzung-305.jpg
Nhạc sĩ Việt Dzũng tại buổi gặp gỡ, chuyện trò với độc giả ở tòa soạn Người Việt Online hôm 14 tháng 5 năm 2013.

    “Tôi cho đó là tâm hồn tự nhiên của một người trẻ. Trời sinh ra anh có một tinh thần sắc đá nhưng lại có một trái tim nhân ái. Có lẽ vì Dzũng được sinh ra với một trái tim như vậy cho nên anh dễ xúc động trước những hoàn cảnh, những khổ đau của nhân loại và khi bắt đầu nhận thức được hình ảnh của những thuyền nhân vượt biển ra đi phải bỏ xác trên biển cả thì tôi nghĩ rằng Việt Dzũng nhạy cảm ngay lập tức.
Khi anh trưởng thành hơn một chút, tìm hiểu rõ ràng hơn thì anh nhìn thấy chế độ nó đã làm cho người ta bỏ nước ra đi và sự nghiệt ngã của chế độ đã càng ngày càng tạo cho anh cảm thấy cần phải thay đổi cũng như cần phải có hình thức nào đó để lên tiếng chống đối chế độ độc tài đảng trị, đặc biệt là chế độ cộng sản hà khắc và đàn áp con người.
Như anh đã nhìn thấy không những người vượt biển ra đi chịu chết trên biển cả và đồng thời còn những người bị bắt vào trại cải tạo, những người bị đày ải đi vùng kinh tế mới thì càng ngày anh Việt Dzũng, như tôi đã nói là người có trái tim nhân ái, khi nhìn thấy chính đồng bào mình, những người đã từng phục vụ trong quân đội cùng với bố của mình.
Chính những người mang thân phận tỵ nạn như mình nhưng bất hạnh hơn, những người đi sau. Tôi cho đó là những lập luận chính đã đưa anh Việt Dzũng vào con đường sinh hoạt với tinh thần như anh vừa nói là tranh đấu cho tự do dân chủ, nhân quyền cho quê hương mình đồng thời cho những người bất hạnh đã trải qua khổ đau để tìm tự do.”

Việt Dzũng là một ngôi sao tại hải ngoại điều đó không cần phải chứng minh. 
 Lối nói chuyện cuốn hút, cách pha trò duyên dáng và lời dẫn chuyện thông minh trong các show ca nhạc của Asia đã khiến chương trình trở nên sống động và cuốn hút hàng triệu người xem. Việt Dzũng là người đi khắp thế gian, đã đặt chân hầu hết nơi nào có người Việt sinh sống và do đó nói anh là người của thế giới người Việt hải ngoại cũng không quá đáng.
“Tôi đã bị Việt Dzũng thu hút hay lôi cuốn từ trước khi tôi làm việc với anh. Kể từ ngày tôi gặp anh lần đầu tiên vào đầu thập niên 80 khi anh trình diễn trên sân khấu đại học Long Beach. Tôi đã bị thu hút bởi giọng nói của anh, dáng dấp của anh lúc ấy là một thanh niên trẻ tóc dài ôm đán hát đã lôi cuốn tôi với cái dáng vẻ nghệ sĩ đó, cộng thêm giọng nói nhẹ nhàng và giọng hát rất ngọt ngào.”
   Tuy là người đi khắp nơi nhưng một chỗ duy nhất Việt Dzũng không thể trở về, đó là nơi anh bỏ hết cuộc đời tranh đấu cho hạnh phúc, tự do dân chủ của nó. Đó là nơi mà anh đăm đắm một ánh mắt, đau đớn một con tim và khóc thầm hằng đêm vì một nỗi nhớ: Nỗi nhớ Việt Nam.

   Cho tới khi anh vĩnh viễn nằm xuống vì một cơn trụy tim vào ngày 20 tháng 12 khi vừa được 55 tuổi tại thành phố Fountain Valley nơi anh đang sống đời lưu vong, thì  có lẽ niềm đau ấy cũng sẽ chấm dứt sau gần bốn mươi năm chờ đợi.
Có lẽ qua cái chết của người bạn đồng hành với mình thì mình đã tìm thấy mình có đến hàng trăm ngàn người bạn đồng hành khác âm thầm và cùng chí hướng với người bạn mình đã mất.
-Nhạc sĩ Nam Lộc
“Quả thật là tôi không ngờ cái phản ứng nó lại mạnh mẽ đến như vậy. Tôi không chỉ nghĩ rằng chỉ là những thương cảm cho một người có lòng, có một tinh thần cao trong việc chống cộng, tranh đấu cho tự do dân chủ. Tôi không ngờ sau đó có một lời chia sẻ của một người gửi cho chúng tôi, trung tâm Asia đài phát thanh Blosa và các diễn đàn, báo chí và đặc biệt là phàn ứng từ nhiều nhân vật ngay cả những người Hoa Kỳ, một số các vị dân cử cấp liên bang cũng như tiểu bang hay các quận hạt.
Đặc biệt trên lĩnh vực truyền thông báo chí người Việt ở hải ngoại hay báo chí Hoa Kỳ ….thì tôi mới nhìn thấy rằng việc làm của anh Việt Dzũng đã có ảnh hưởng rất sâu đậm. Có những cái nhìn rất tích cực và được quý mến một cách rộng rãi làm cho tôi cảm thấy xúc động vô cùng.
Vừa xúc động vừa hãnh diện và sung sướng vì anh em chúng tôi đã cùng đồng hành trên con đường có nhiều người cùng chí hướng với mình. Thậm chí tôi còn cảm thấy đó là mối an ủi lớn lao dành cho mình và lúc nào tôi cũng nghĩ rằng tôi đã mất đi một người bạn, một người bạn đống hành rồi.
Có lẽ qua cái chết của người bạn đồng hành với mình thì mình đã tìm thấy mình có đến hàng trăm ngàn người bạn đồng hành khác âm thầm và cùng chí hướng với người bạn mình đã mất thành ra tôi vô cùng hãnh diện.”

    Vâng đúng như nhạc sĩ Nam Lộc chia sẻ, khi nghe tin Việt Dzũng nằm xuống chưa bao giờ truyền thông Việt ngữ khắp thế giới lại cuống cuồng loan tin như vậy. Từ California tới Ba Lan, xa hơn nữa là Nga, rồi Úc, Canada… tất cả mọi chương trình phát thanh, bài viết trên mặt báo hình ảnh cuối cùng của anh cũng như thông tin anh nằm xuống đã trở thành cuồng phong. Hàng triệu người Việt khắp nơi lặng lẽ thương tiếc anh, lặng lẽ nghe lại hơn 400 nhạc phẩm anh đã sáng tác trong suốt cuộc đời lưu vong mà một trong những nhạc phẩm để đời ấy có bài Tự tình khúc, viết về nấm mộ của một thuyền nhân, một trú khách, mãi khi chết rồi vẫn canh cánh với quê nhà.
Hình ảnh ấy có phải anh viết cho chính anh, một con chim báo bão chưa bao giờ có cơ hội trú thân trong chính những trăn trở của mình?

    Bài hát có những nốt trắng làm người nghe tê dại. Chỉ còn lại tiếng kinh chiều, rất thê thiết và rất tha ma. Tiếng kinh lưu vong ấy có tiễn được Việt Dzũng về tới quê nhà hay không và trong cõi hư vô anh có cơ hội nghe lại được chính mình để im lặng suy tư về một thuở?
Chiều nay ai ra mộ vắng
Thắp dùng tôi nén hương tàn
Thương người nằm sâu đất lạnh
Đang buồn quê hương nát tan

Chiều nay ai ra bờ sông
Xem con nước có xuôi dòng
Ra quẩn quanh hoài một nhánh
Lặng buồn như kiếp lưu vong
…..
Chiều nay ai ra phố vui
Phố vui vẫn chỉ là phố người
Còn lại thân mình ta giữ
Thương nhớ quê nhà khôn nguôi….

1 comment:

  1. Vì quê hương VN, chúng ta tiếp tục con đường đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ,thực hiện tâm ngụyên của dân VN yêu đất nước như anh Việt Dzũng !!!

    ReplyDelete