Anh Minh, phóng viên RFA
2016-07-04
2016-07-04
Gia đình bà janet Nguyễn, Thượng nghị sĩ Thượng viện California Địa hạt 34Sau biến cố 30 tháng 4, 1975 - Sài Gòn sụp đổ, như bao gia đình sĩ
quan VNCH khác, gia đình Janet Nguyễn hòa theo dòng người vượt biển
nhưng nhiều lần thất bại. Năm 1981 khi Janet được năm tuổi, sau chuyến
đi thành công của người bố và anh trai, mẹ Janet Nguyễn ra khỏi nhà giam
liền dắt cô và người em gái vượt biển thêm một lần nữa. Như một phép
màu, chuyến đi định mệnh đưa họ đến Thái Lan
Nhưng lúc này, Thái Lan không thể tiếp nhận thêm thuyền nhân vì đã có quá nhiều người tị nạn Việt Nam đến tạm cư tại quốc gia này. Thuyền của họ bị kéo lại ra biển. Không còn lựa chọn nào khác, họ đánh đắm chiếc thuyền và bơi vào bờ. Cuối cùng, cả gia đình Janet Nguyễn đoàn tụ trên đất Thái và ít lâu sau được định cư tại California, Hoa Kỳ.
33 năm sau, tháng 11 năm 2014, trong cuộc đua vào Thượng viện tiểu bang California, cô bé thuyền nhân Janet Nguyễn năm nào đã đã giành chiến thắng để trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên bước chân vào chính trường Hoa Kỳ trong vai trò Thượng nghị sĩ Thượng viện California Địa hạt 34. Đài Á Châu Tự Do có buổi trao đổi với nữ Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn tại Quận Cam xung quanh công việc và những trăn trở của bà dành cho thế hệ trẻ.
Từ khoa học sang chính trị
Anh Minh: Thưa bà Thượng nghị sĩ, được biết ban đầu giấc mộng của bà không phải trở thành một chính trị gia mà là trở thành bác sĩ. Vậy thì có sự kiện nào hoặc câu chuyện đặc biệt nào xảy ra khiến Janet Nguyễn quyết định trở thành bà Thượng nghị sĩ như ngày hôm nay?
Janet Nguyễn: Thực ra hồi xưa lúc mà tôi đi học ở Đại học California ở Irvine. Năm thứ nhì có một cái lớp mình phải lấy để có Social Sciences Credit. Lớp đó có một vị giáo sư là Chủ tịch Hội đồng Giám sát của Quận Cam. Lúc mình vô mình đâu biết Giám sát viên là gì đâu, đâu có biết gì về chính trị. Học xong lớp đó, mình thấy giáo sư này cũng quan trọng nên mình xin thực tập cho ông ta để có thể cho ông viết cho mình một lá thư giới thiệu cho trường y. Sau đó tôi vô văn phòng thực tập năm tiếng thành mười tiếng, mười tiếng thành mười năm. Lúc đó là 1997, 10 năm sau tới 2007, tôi trở về văn phòng của Hội đồng Giám sát Quận Cam thì tôi là Giám sát viên ở Địa hạt 1, ông ấy ở địa hạt 4.
Mình phải vô trong ngành này để không phải chỉ nghe tiếng nói của người khác dành cho mình mà mình phải là tiếng nói ở vị trí đó.Và tại sao mà mình đổi ngành? Mình nghĩ là trong cuộc đời của mình, mình muốn giúp lại cho xã hội, giúp lại cho nước Mỹ đã cho gia đình của Janet rất nhiều và có cơ hội ở trong một đất nước tự do dân chủ. Mình muốn làm bác sĩ, cảnh sát, hay bất cứ nghề nào trong nước Mỹ cũng được hết, nhưng tất cả mọi thứ trong cuộc đời của mình được nắm giữ bởi chính phủ. Cái áo mà Janet đang mặc, không khí mà mình đang thở, mình ngồi trong văn phòng này, tất cả mọi thứ trong nước Mỹ hoặc bất kỳ đâu đều liên quan đến bàn tay của chính phủ. Tốt hay không tốt là quyền của mỗi người phán xét. Người nào trong chính phủ muốn làm một điều luật chúng tôi sẽ hỏi: Anh hay cô làm luật này sẽ ảnh hưởng tới cộng đồng Mỹ gốc Việt, một người phụ nữ, một gia đình, một người trẻ, một người mẹ ra sao? Cơ bản là tôi muốn mình ở một vị trí mà tôi có quyền phản ứng lại các dự luật được ban hành. Mình không muốn đứng ở đằng sau đợi khi nào luật được làm xong rồi mình chấp hành theo. Bây giờ mình ở trong nước Mỹ rồi, mình có quyền đứng ở vị trí đó, và mình phải cố gắng để tiến tới được vị trí đó. Mình phải vô trong ngành này để không phải chỉ nghe tiếng nói của người khác dành cho mình mà mình phải là tiếng nói ở vị trí đó.
- Janet Nguyễn
Anh Minh: Được biết bà từng là một thuyền nhân và cuộc sống của gia đình bà khi mới qua Hoa Kỳ thì rất khó khăn. Bây giờ khi đã trở thành Thượng nghị sĩ thì bà nghĩ về khoảng thời gian đó như thế nào?
Janet Nguyễn: Mình là thuyền nhân và cũng như nhiều gia đình khi qua Mỹ thì rất nghèo. Hồi lúc 10 tuổi, Janet đã đi chung với gia đình lau dọn nhà cửa cho những người giàu. Một điều giúp cho Janet làm những dự luật để giúp cho mỗi gia đình và tương lai con em của Địa hạt 34 có cơ hội thêm là vì đó là những trải nghiệm cá nhân của Janet. Mỗi lần Thượng viện mà nói về những cái trợ cấp thì cái góc nhìn của mình khác hơn. Vì vậy điều này giúp cho Janet nhiều hơn và khiến mình không thể quên được làm sao mình ở đây để có cơ hội giúp lại mỗi gia đình tới Mỹ. Mong là có thể 40 năm tới đây, con trai hay con gái của quý vị sẽ thành Thượng nghị sĩ của Tiểu bang Cali. Mình mong muốn tương lai của cộng đồng Việt Nam sẽ trong tay của thế hệ trẻ, thế hệ tới đây.
Công việc và gia đình
Anh Minh: Sau hơn 10 năm làm việc phục vụ cho cộng đồng, thì điều gì khiến cho bà vui thích nhất cũng như phần công việc nào gây nhiều áp lực, căng thẳng nhất?
Janet Nguyễn: Cái vui nhất là mỗi lần chúng tôi về Quận Cam gặp đồng hương, đặc biệt là trẻ em. Đôi khi mình gặp trẻ em hỏi: “Cô Janet chụp chung tấm hình được không?” Janet rất vui thì điều này nhắc cho mình biết là một trẻ em mà biết Janet, thì trẻ em đó biết tương lai sẽ làm Thượng nghị sĩ cũng được. Đừng nghĩ rằng một người con nhà giàu sẽ hơn một người con nhà nghèo bởi vì một con nhà nghèo như Janet cũng đã làm được, thì tại sao mình lại không làm được?
Cái khó khăn nhất là trong mấy năm qua, mỗi lần chúng tôi ứng cử thì khó khăn hơn. Trong đó thì quý đồng hương cũng biết là vì mình là người Mỹ gốc Việt đầu tiên, một người phụ nữ đầu tiên, một người trẻ dưới 40 tuổi. Điều này gây khó khăn hơn. Văn hoá của người Việt Nam mình cũng hiểu là vợ phải ở nhà lo cho con cái, không phải đi chính trị, người nghèo không được vô văn phòng của người giàu, một người trẻ phải coi một người anh bằng anh, chức nào cũng vậy hết. Những văn hoá như vậy làm cho việc làm của Janet khó khăn hơn.
Bây giờ trong nước Mỹ, ai cũng bằng nhau hết, phụ nữ - đàn ông, trẻ - lớn, nghèo – giàu, mình phải cho con cái của mình, cộng đồng tương lai của chúng ta biết mình muốn làm gì cũng được hết miễn là mình phải làm việc chăm chỉ (work hard), nhìn xa trông rộng (aim high) và theo đuổi tới cùng (keep pursuing). Đừng bao giờ cho người ta nói rằng mình không làm được là vì mình là một người phụ nữ hay là mình là một người nghèo.
Hãy cứ làm và mình phải cân bằng được. Đừng từ bỏ gia đình bởi vì công việc và ngược lại. Bạn có thể làm cả hai được. Sẽ khó khăn hơn nhưng khi đạt được thì bạn sẽ rất viên mãn.Anh Minh: Công việc của một Thượng nghị sĩ rất là bận rộn, nhưng Anh Minh được biết rằng bà còn có chồng và hai con trai nữa thì làm sao bà cân bằng công việc và gia đình?
- Janet Nguyễn
Janet Nguyễn: Lúc mà mình làm chính trị, đi con đường này thì mình không muốn chọn giữa việc làm và gia đình. Rất may mắn mình có một người chồng hiểu biết việc làm của Janet. Ông ta cũng đi làm toàn thời gian, nhưng khi mà tôi bận việc thì ông sẽ giúp cho gia đình và con cái. Hai đứa con của Janet được năm tuổi và ba tuổi rồi. Mỗi lần mình về thì mình dành thời gian cho gia đình. Ví dụ như một ngày thứ Bảy thôi, sáng sớm không có gì thì mình ăn sáng với gia đình. Sau đó thay áo chạy đi tới một buổi họp. Một tiếng sau chạy về thay áo đi xuống dưới nhà gặp gia đình rồi lại chạy lên thay đồ đi nữa. Chạy vô chạy ra vậy đó. Quý vị nghĩ mỗi ngày tôi phải đi họp bảy, tám buổi họp thì phải thay đồ năm lần. Thời gian mà tôi dành cho gia đình đôi khi nhỏ lắm, như đứng ở ngoài đường nhìn hai đứa con học chạy xe đạp với gia đình thôi. Nửa tiếng, 45 phút nhưng đó vẫn là thời gian cho gia đình.
Mình có bổn phận của một người thượng nghị sĩ lo cho một triệu người. Trong khi đó mình cũng là một người mẹ, một người vợ nên phải cân bằng. Mình nói với nhiều người là “I just do it”. Mình không có phàn nàn gì hết. Nhưng quan trọng hơn mình có một gia đình rất hỗ trợ. Vì vậy thông điệp mình muốn gửi cho thế hệ trẻ, đặc biệt cho một người phụ nữ là:
Đừng cho người nào nói là mình không được làm. Hãy cứ làm và mình phải cân bằng được. Đừng từ bỏ gia đình bởi vì công việc và ngược lại. Bạn có thể làm cả hai được. Sẽ khó khăn hơn nhưng khi đạt được thì bạn sẽ rất viên mãn.
Anh Minh: Bà có điều gì nhắn nhủ thêm với các bạn trẻ không?
Janet Nguyễn: Nãy mình cũng đã nói rất nhiều. Các bạn trẻ, sau này các bạn làm gì cũng được, bác sĩ, luật sư, ký sĩ, bất cứ nghề nào nhưng đừng quên cộng đồng Việt Nam ở đây và ở Việt Nam cần sự ủng hộ của quý vị.
Đừng quên văn hoá của chúng ta. Đừng quên lịch sử của một người Việt Nam.
Mình mong quý vị thành công và hãy quay trở lại giúp cho cộng đồng. Đất nước Hoa Kỳ đã cho chúng ta rất nhiều nên đừng quên điều đó. Mình lấy được của người khác nhưng cũng phải biết cho đi. Mình cho đi bằng cách giúp đỡ cho một gia đình mới. Nhớ rằng lúc xưa gia đình quý vị rất khó khăn để qua đây, đi vượt biên, đi hồi 75, đi HO, đi diện bảo lãnh, mình coi lại nhà kế bên của mình có cần giúp không?
Mình mong là thế hệ trẻ sẽ không quên những điều đó. Nhớ quê hương, nhớ văn hoá và giúp lại cho cộng đồng.
Anh Minh: Xin cảm ơn bà rất nhiều.
No comments:
Post a Comment