Friday, May 5, 2017

Về một con người rất lớn Nguyễn Thị Hạnh Nhơn

Tuần qua, hầu hết mọi đài truyền thanh truyền hình và báo chí tiếng Việt đều đăng tải bản tin buồn về Cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, bà qua đời lúc 1 giờ 43 phút sáng Thứ Ba, ngày 18 Tháng Tư, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 90 tuổi. Đây là một mất mát vô cùng lớn lao của cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như cộng đồng Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa tại quê nhà. (Tiểu sử – Phụ Bản 1)
nguyen-thi-hanh-nhon9
Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn (trong Đại nhạc hội Cám Ơn Anh Kỳ I, 2006)
Bà Hạnh Nhơn được xem là ân nhân của vô số thương phế binh và quả phụ VNCH qua các chương trình gây quỹ cứu trợ. Cho đến ngày qua đời, bà Hạnh Nhơn là hội trưởng, Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH (hội HO). Mỗi năm, hội giúp hàng chục ngàn cựu chiến binh VNCH bị mất một phần thân thể, cùng những phụ nữ có chồng hy sinh, trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam Việt Nam.

Ðể tài trợ chương trình cứu giúp thương phế binh và quả phụ VNCH, bà Hạnh Nhơn đã đứng ra tổ chức các kỳ đại nhạc hội gây quỹ hàng năm. Sát cánh với bà là nghệ sĩ Nam Lộc và rất nhiều các tình nguyện viên khác. Các đại hội ca vũ nhạc này  là những chương trình lớn nhất của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.
nguyen-thi-hanh-nhon3
Nam Lộc với 25 ngàn khán giả trong Đại nhạc hội gây quỹ xây dựng tượng đài năm 2002
Ðể tìm hiểu, thương tiếc và vinh danh một nhân cách lớn của cộng đồng Việt, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Nam Lộc, người cộng tác thân tín nhất của bà Hạnh Nhơn, về các chương trình cứu trợ của hội HO.
Ông Nam Lộc kể lại rằng vào cuối thập niên 90, hội HO do ông Nguyễn Hậu làm hội trưởng đã giúp đỡ các cựu chiến binh VNCH định cư tại Hoa Kỳ. Khi chương trình định cư hoàn tất và ông Nguyễn Hậu qua đời, bà Hạnh Nhơn thay thế chức vụ hội trưởng và khởi đầu chương trình cứu trợ thương phế binh và quả phụ. Năm ấy, chính bà Hạnh Nhơn cũng vừa định cư tại Hoa Kỳ được khoảng một năm.
Mối duyên giữa bà Hạnh Nhơn và nghệ sĩ Nam Lộc bắt đầu từ năm 2005 qua sự giới thiệu của ký giả Vũ Chung và nhà báo Huy Phương.
nguyen-thi-hanh-nhon1
Nam Lộc, bà Hạnh Nhơn, Trúc Hồ trong Đại nhạc hội Cám Ơn anh Kỳ 10 năm 2010
Nam Lộc nổi tiếng trong cộng đồng người Việt qua tài tổ chức thành công các chương trình đại nhạc hội ngoài trời tại Việt Nam (trước năm 1975) và tại hải ngoại sau ngày quốc nạn. Là một nhạc sĩ / nhà hoạt động cộng đồng, ông quen biết và thân thiết với rất nhiều anh chị em nghệ sĩ và cũng là một “ông bầu” chu đáo đàng hoàng, được tin cậy nên Nam Lộc dễ dàng mời gọi sự cộng tác của giới nghệ sĩ. Nam Lộc thành công rực rỡ trong hai kỳ đại nhạc hội gây quỹ tài trợ tượng đài chiến sĩ vinh danh quân lực VNCH tại Westminster, California, thủ đô tị nạn. Ðây là tượng đài chiến sĩ đầu tiên tại Hoa Kỳ mang hình ảnh người lính VNCH. Hồi tưởng lại chuyện cũ, Nam Lộc vẫn bùi ngùi xúc động, ông ấy nói rằng có khoảng 400 đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở nhiều nơi tại Hoa Kỳ để vinh danh và thương nhớ tử sĩ của họ; nhưng bên cạnh các chiến binh Mỹ vẫn thiếu vắng biểu tượng người lính miền Nam Việt Nam; “dù nhiều cựu chiến binh VNCH đã định cư, người sống đã đến được đất tạm cư nhưng còn thiếu linh hồn tử sĩ, ta cần một biểu tượng để thân nhân, đồng đội có nơi để đến, được thắp một nén nhang, đốt một điếu thuốc… nhìn khói hương ấm áp mà thương nhớ… Ðó là động lực thúc đẩy các cựu chiến binh cùng cá nhân tôi xây dựng tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ” (Nam Lộc chia sẻ).
Với các nỗ lực liên tục ngày đêm của Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài, thành phố Westminster, cùng các cựu chiến binh, sự ủng hộ của các hội đoàn tôn giáo, thân hào nhân sĩ địa phương, với các đóng góp của văn nghệ sĩ, ca nhạc sĩ, truyền thông báo chí Việt tại hải ngoại và với sự đồng thuận của thành phố, ngày 27 tháng Tư năm 2003, tượng đài chiến sĩ tại Westminster đã được khánh thành.
nguyen-thi-hanh-nhon
Tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ tại Westminster khánh thành Tháng Tư năm 2003
Qua hai cuộc gây quỹ thành công rực rỡ đó, Nam Lộc vang danh là một nhà tổ chức các buổi đại nhạc hội có uy tín và tài giỏi. Ðể tiếp tục tài trợ chương trình cứu giúp TPB và quả phụ VNCH, Hội HO cần một ông bầu tài giỏi, đáng tin cậy và chịu dấn thân “vác ngà voi”, bà Hạnh Nhơn nghĩ đến nghệ sĩ Nam Lộc và nhờ cậy thân hữu giới thiệu.
Buổi gặp gỡ đầu tiên ấy đã để lại nhiều ấn tượng êm đẹp trong lòng Nam Lộc. Khi nói về “chị Cả”, về bà Hạnh Nhơn, xúc cảm khiến giọng ông nghệ sĩ lạc đi, nghẹn lời… Ðó là một phụ nữ với dáng vẻ hiền từ; nói năng nhỏ nhẹ và tấm lòng tha thiết với đồng đội… Chị Hạnh Nhơn có hình ảnh của một ‘nữ tu’ nhân hậu nhưng lại là biểu tượng của một quân nhân kiêu hùng và một cựu tù cải tạo can trường. ‘Nữ tu’ ấy đã đem hết tuổi thanh xuân phục vụ đất nước, chịu tù đày rồi ngày nay dùng những tháng năm còn lại để cứu giúp đồng đội, những người không may mắn đang phải sống dưới chế độ cộng sản…
Thoạt tiên, nghệ sĩ Nam Lộc ngần ngại vì trách nhiệm quá lớn nhưng sau lần gặp mặt, và bị “thu hút bởi khuôn mặt hiền từ cùng trái tim nhân ái của chị Hạnh Nhơn”  ông nhận lời cộng tác và từ đó họ là những thành phần nồng cốt của ban Tổ Chức trong các kỳ đại nhạc hội cứu trợ TPB thường niên từ suốt hơn 10 năm qua. Không những chỉ nhận lời cộng tác mà Nam Lộc còn mời gọi thân hữu tiếp tay trợ giúp. Trong lá thư gửi Trúc Hồ (giám đốc nghệ thuật) và Thy Vân (nhà quản trị) của Trung Tâm Asia (Ðiện thư ngày 30 tháng Ba, năm 2006 – Phụ bản 2), Nam Lộc đã giới thiệu về bà Hạnh Nhơn như sau:
nguyen-thi-hanh-nhon2
Nam Lộc và ca sĩ Ý Lan trao tiền cho Ủy ban xây dựng tượng đài năm 2002
“Dear Trúc Hồ & Thy Vân,
 Thấm thoát mà đã gần 4 năm, kể từ ngày chúng ta gây quỹ xây dựng tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ tại Westminster và gần 3 năm kể từ khi tượng đài được khánh thành, mà TTAsia đã đóng góp không nhỏ vào công trình này. Lúc đó anh em chúng ta cũng đã chia sẻ đôi lần là chúng mình đã làm được một phần nào để an ủi linh hồn những anh hùng tử sĩ, bây giờ là lúc phải nghĩ đến những người còn sống. Ðó chính là các thương phế binh VNCH, những người đã hy sinh một phần thân thể cho cuộc chiến…
…Rất nhiều hội đoàn đã lẻ tẻ và âm thầm quyên góp để giúp họ nhưng không có một ngân khoản nào lớn để có kế hoạch tổng quát và rộng rãi. Một trong những tổ chức rất đứng đắn và lặng lẽ làm việc với danh sách khoảng gần 8,000 thương phế binh, đó là Hội HO, Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH do bà Hạnh Nhơn, là một cựu Trung Tá rất có lòng và đứng đắn làm hội trưởng. Anh đã làm việc với bà nhiều lần và rất được mọi người, mọi giới hỗ trợ, kể cả giới truyền thông, báo chí… 
nguyen-thi-hanh-nhon7
Dù lớn tuổi, bà Hạnh Nhơn cũng đi dán poster cho Đại nhạc hội Cám Ơn Anh
…Muốn thu hút số lượng khán giả tham dự dự trù là 10,000 người thì phải có một chương trình ca nhạc hấp dẫn, ý nghĩa và giá trị. Theo anh chỉ có Asia mới hội đủ tiêu chuẩn để làm được việc này. Vậy hôm nay, thay mặt ban tổ chức, anh tha thiết kêu gọi TTAsia, Trúc Hồ và Thy Vân tiếp tay trong công cuộc gây quỹ quan trọng và ý nghĩa này, trước là để tỏ lòng biết ơn đến tập thể Thương Phế Binh VNCH, sau là có cơ hội đóng góp vào một trong những sinh hoạt hữu ích của cộng đồng người Việt tại hải ngọai.
Anh xin bảo đảm về uy tín cũng như sự đúng đắn của bà Hạnh Nhơn cũng như của Hội HO, Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH cùng các hội đoàn khác góp mặt trong BTC, nhất là về vấn đề tài chánh. Chúng ta có một hệ thống kiểm soát rất chặt chẽ và đúng đắn mà không sợ bị ai lợi dụng nỗ lực và lòng từ tâm của mọi người…”
nguyen-thi-hanh-nhon8
Nam Lộc và Lena Nguyễn (Đại nhạc hội Cám Ơn Anh Kỳ I, 2006)
Buổi Ðại Nhạc Hội ‘Nhớ Người Thương Binh” đầu tiên đã diễn ra vào ngày 25 tháng Sáu, năm 2006 tại sân vận động của trường Trung Học Bolsa Grande, California và được tiếp tục hàng năm dưới tên ‘Cám Ơn Anh’. Ðược đồng hương hải ngoại hưởng ứng và đóng góp, đến nay, chương trình ÐNH đã tiếp tục đến năm thứ 11. Ðiển hình là năm ngoái, kỳ đại nhạc hội lần thứ 10 thu góp được $1,279,000. Mỗi năm, cả triệu Mỹ kim được Hội HO/TPB chuyển về Việt Nam cứu giúp các thương phế binh và quả phụ VNCH.
Cộng tác mật thiết với bà Hạnh Nhơn suốt hơn 10 năm qua, chẳng mấy khi nghệ sĩ Nam Lộc nghe nhắc đến gia đình riêng của bà; dường như lúc nào lòng bà cũng hướng về những thương phế binh và quả phụ VNCH. Bà lo lắng làm việc ngày đêm để chu toàn trách nhiệm, thu góp tiền bạc ủng hộ từ người Việt hải ngoại để chuyển tận tay người nhận. Sổ sách minh bạch, rõ ràng, mỗi người nhận là một hồ sơ đính kèm địa chỉ và biên lai. Năm này sang năm khác, bà Hạnh Nhơn tận lực, tận tâm và không để việc dị nghị điều tiếng xảy ra.
nguyen-thi-hanh-nhon5
Bà Hạnh Nhơn trong trang phục Hướng Đạo
Cho đến khi bà Hạnh Nhơn đau nặng, nghệ sĩ Nam Lộc mới có dịp gặp gỡ và trò chuyện với những người con trong gia đình bà Hạnh Nhơn, 9 người con cộng thêm dâu rể, cháu nội ngoại… Người con út, trên đường qua Hoa Kỳ, chưa đến nơi thì bà Hạnh Nhơn qua đời.
Riêng Nam Lộc, bận rộn với các buổi đại nhạc hội từ San Jose đến Baltimore, những ngày bà Hạnh Nhơn chịu giải phẫu rồi nằm phòng bệnh nặng, may mắn hơn người con út, ông được nhìn mặt ‘chị Cả’ lần cuối vào tối ngày Thứ Ba vừa qua. “Tay bà còn ấm, tôi nói lời thương mến, bịn rịn chia tay dù bà không còn trả lời… Tôi hứa với bà rằng sẽ tiếp tục chương trình trợ giúp thương phế binh và quả phụ VNCH; hy vọng mọi người sẽ hồi hướng công đức của bà để đóng góp tích cực cho kỳ đại nhạc hội sắp tới được thành công…
Tôi gặp ‘chị Cả’ lúc bà đã 78 tuổi, tuổi già mong manh chẳng mấy ai tránh được lẽ Trời nhưng tôi vẫn hy vọng và thầm cầu mong bà mạnh khỏe để tiếp tục con đường phục vụ đồng đội. Biết rằng sẽ có lúc phải đi riêng mình nhưng tin bà đau nặng khó qua khỏi vẫn là tin sét đánh. Tôi bàng hoàng, đau đớn vì nỗi mất mát quá lớn. Tôi tiếc thương bà Hạnh Nhơn lắm, Chị Cả là người vĩ đại nhất trong cuộc đời hoạt động [vì] cộng đồng của tôi.”

Nghệ sĩ Nam Lộc mất một người đồng hành trân quý, cộng đồng người Việt mất một nhân cách lớn và các thương phế binh & quả phụ VNCH mất một người trợ giúp nhiệt thành. Chúng ta tiếc bà và xin tiễn bà về chốn an nghỉ ngàn năm. 

TLL
Phụ Bản 1 -Tiểu sử
Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn sinh năm 1927 tại Huế, gia nhập Việt Binh Ðoàn Ðệ Nhị Quân Khu vào năm 1950, phục vụ trong ngành Hành Chánh – Tài Chánh. Năm 1957 bà được thuyên chuyển về phục vụ tại Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, Huế với cấp bậc Thiếu Úy, rồi lên lon Trung Úy sĩ quan tiếp liệu. Sau đó bà được thuyên chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện và Trường Nữ Quân Nhân và lên lon Ðại Úy làm việc tại văn phòng đoàn nữ quân nhân của Bộ Tổng Tham Mưu. Năm 1969, bà là Thiếu Tá trưởng phòng nghiên cứu. Sau đó, bà được chuyển qua Không Quân và lên cấp bậc Trung Tá năm 1972 và phục vụ trong quân đội cho đến ngày miền Nam rơi vào tay Việt Cộng.
nguyen-thi-hanh-nhon4
Đoàn nữ quân nhân QLVNCH. Đứng giữa là Đại tá Trần Cẩm Hương, bên cạnh là Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn (dấu X)
nguyen-thi-hanh-nhon6
Gia đình bà Hạnh Nhơn cùng các con, cháu
Bà đã được ân thưởng Ðệ Ngũ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương sau khi phục vụ một-phần-tư thế kỷ trong QL/VNCH. Sau 30 tháng 4, 1975 bà bị Việt Cộng bắt đưa vào trại tù tập trung hơn bốn năm. Ðến năm 1990, bà và gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.2.
Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn cũng là một Trưởng Hướng Ðạo Sinh, bà gia nhập đoàn nữ Hướng Ðạo trường Ðồng Khánh, Huế từ năm 1941 với tên Rừng là Hạc Bác Ái, bà là một ngôi sao Bắc Ðẩu trong đại gia đình Hướng Ðạo Việt Nam.
Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, bà tham gia Hội Tương Trợ Cựu Tù Nhân Chính Trị, cùng lúc vẫn sinh hoạt trong phong trào Hướng Ðạo. Năm 1996 bà được mời làm Tổng Thư Ký Hội H.O. Cứu Trợ TPB/QP/VNCH và năm 2006, bà được mọi người trong Hội cử giữ chức Hội Trưởng. Từ ngày đó, bà cộng tác với Trung Tâm Asia, đài SBTN/TV và các nam nữ nghệ sĩ để tổ chức Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh – Người Thương Binh VNCH.”
Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn kết hôn với ông Lý Nhựt Hướng, cũng là trưởng Hướng Ðạo (đã quá vãng). Ông bà có 9 người con, cùng dâu rể và cháu chắt nội ngoại. Bà theo đạo Phật, Pháp danh là Thân Từ.

By Trần Lý Lê

No comments:

Post a Comment