Thursday, September 21, 2017

Cậu bé gốc Việt trưởng thành từ nỗi đau khủng bố



Em Nguyễn Hồ Ngọc An tại cuộc phỏng vấn ở studio đài VOA ngày 11/9/2017

Ngày này 16 năm trước, một cậu bé gốc Việt 4 tuổi vĩnh viễn xa rời người bố ruột của mình, khi ông Nguyễn Ngọc Khang, kỹ sư điện làm việc cho Trung tâm Tư lệnh Hải quân tại Ngũ Giác Đài, nằm trong số 184 nạn nhân thiệt mạng vì một trong những chiếc máy bay khủng bố lao vào tấn công trụ sở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Cậu bé Nguyễn Hồ Ngọc An lớn lên từ những mất mát đó hiện là sinh viên năm 3 của trường đại học nổi tiếng George Mason, ôm ấp ước mơ bảo vệ an ninh cho nước Mỹ.


Trà Mi: Chào An. Lúc mọi việc xảy ra, em đang ở đâu? Cảm giác thế nào khi biết tin bố mất?
Ngọc An: Lúc đó em đang học mẫu giáo. Hôm đó, bố chở em đi học nhưng ông lại đến đón em về. Mấy hôm sau em thắc mắc không biết bố đi đâu, sao không về nhà. Tới khi các giới chức Ngũ Giác Đài chính thức báo tin bố em mất, em lúc đó dù không hiểu lý do sao bố không về nữa, nhưng thấy hoang mang và buồn lắm. Trong 16 năm qua kể từ ngày 11/9/2001, em đã vượt qua sự mất mát đó bằng cả sự can đảm, tinh thần hy sinh, sức mạnh tinh thần để trưởng thành không có sự dìu dắt của bố.
Nguyễn Hồ Ngọc An trong đám tang của bố

Nguyễn Hồ Ngọc An trong đám tang của bố
Trà Mi: Sau khi hiểu được nguyên cớ cướp đi sinh mạng bố mình, em có suy nghĩ gì về sự mất mát của gia đình em và của nước Mỹ?
Ngọc An: Em nghĩ chúng ta cần nhiều nỗ lực hơn nữa để mở ra những mối quan hệ và hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt là giữa nước Mỹ với khu vực Trung Đông vì chúng ta không muốn thấy những điều tương tự như vụ khủng bố 911 đó xảy ra ở Mỹ hay ở bất kỳ nước nào khác nữa. Điều hết sức quan trọng là phải có tinh thần nhân đạo, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, quan tâm đến nhau và tôn trọng lẫn nhau, và có một cái nhìn toàn thế giới.
Em An đang đọc trang liệt kê tiểu sử của bố, kỹ sư Nguyễn Ngọc Khang, trong nhà nguyện tại Đài tưởng niệm nạn nhân 911 ở Ngũ Giác Đài
Em An đang đọc trang liệt kê tiểu sử của bố, kỹ sư Nguyễn Ngọc Khang, trong nhà nguyện tại Đài tưởng niệm nạn nhân 911 ở Ngũ Giác Đài
Trà Mi: Là thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt, em sẽ góp phần thế nào để sự mất mát của gia đình em nói riêng, và của nước Mỹ nói chung, vì biến cố 911 không là vô nghĩa?
Ngọc An: Hàng ngàn người đã bị cướp mạng sống trong ngày khủng bố 911 đó, là công dân trong một xã hội tự do như Mỹ này, em nghĩ điều hết sức quan trọng là mình phải tôn trọng và cư xử tử tế tất cả mọi sắc dân và phải có tinh thần cống hiến, đóng góp lại cho cộng đồng xung quanh, phải cư xử làm sao để duy trì xã hội này theo đúng những gì tốt đẹp nhất của nó.
Nguyễn Hồ Ngọc An trước khuôn viên Ngũ Giác Đài sau vụ tấn công khủng bố 911
Nguyễn Hồ Ngọc An trước khuôn viên Ngũ Giác Đài sau vụ tấn công khủng bố 911
Trà Mi: Em đang là sinh viên năm 3 sắp ra trường, ngành học của em, nghề nghiệp tương lai của em có hướng tới mục đích đó không?
Ngọc An: Dạ có, em tin là ngành công nghệ thông tin em đang học tại trường đại học George Mason sẽ giúp em theo đuổi con đường đóng góp và xây dựng nước Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng. Theo đuổi con đường sự nghiệp này, em sẽ có thể góp phần giúp nước Mỹ ngăn chặn được các cuộc tấn công, không chỉ là các cuộc tấn công khủng bố trên thực tế mà còn là các cuộc tấn công an ninh mạng, nhất là khi thế giới đang ngày càng trở nên gắn kết chặt chẽ với nhau thông qua mạng internet và thông qua các dữ liệu. Hàng ngày, có rất nhiều các cuộc tấn công như thế muốn gây hại đến an ninh của nước Mỹ, cho nên ngành an ninh mạng hết sức cần thiết. Đó cũng là lý do em rất quan tâm tới ngành này.
Em nghĩ chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm. Hiện nay với sự trỗi dậy của IS và al Qaeda, chúng ta còn phải nỗ lực ngoại giao nhiều hơn nữa, xem lại các mối quan hệ với khu vực Trung Đông giữa bối cảnh căng thẳng dâng cao, nhưng quan trọng hơn là giáo dục mọi người về lịch sử một cách khác quan sẽ giúp mọi người tự nhận thức được làm thế nào để tránh để tái diễn các cuộc tấn công khủng bố như 911.
Trà Mi: Cảm ơn An rất nhiều về buổi nói chuyện ngày hôm nay.
Ngọc An: Em cảm ơn chị.

No comments:

Post a Comment