Friday, October 13, 2017

HÃY NHÌN SỰ LIÊM KHIẾT CỦA MỘT THỊ TRƯỞNG

 Các con giòi tự xưng mình là đỉnh cao trí tuệ đảng csVN nhưng không hề phát minh ra được một cái gì cho đất nước ngoài ăn tàn phá hại hãy nhìn một Thị Trưởng Việt Nam tại Mỹ, có cảm thấy hổ thẹn trước sự liêm khiết của nhân cách một con người không?
*****

Tạ Đức Trí: Viên thị trưởng "nghèo"
EF559051-F12C-45F9-B7E4-7953F0E9C9E6_w650_r0_s (1)




 Thị trưởng Tạ Đức Trí tại văn phòng, 8/2017
Thành phố Westminster quanh năm nắng ráo mát mẻ, trải rộng trên diện tích 26 kilomet vuông thuộc miền Nam California, sát bên bờ Thái Bình Dương. Nơi đây là nhà của 94.000 dân trong đó có đến gần một nửa là người gốc Việt.
Kể từ cuối năm 2012 đến nay, lần đầu tiên trong lịch sử thành phố và cũng là của cả nước Mỹ, 
Westminster có thị trưởng gốc Việt do dân bầu, ông Tạ Đức Trí.
 Tinh thần cống hiến
Đắc cử ở tuổi 39, ông Trí được rất nhiều người Việt ở Mỹ đánh giá là một chính trị gia trẻ, tài năng, và là niềm hãnh diện của cộng đồng. Trong 6 năm liên tục trước đó, ông đã là nghị viên và phó thị trưởng luân phiên.
Sau hơn 4 năm rưỡi nắm quyền, với hai lần tái cử, ông Trí - năm nay 44 tuổi - tạo ra những ấn tượng tốt đẹp với người dân.
Tại Đền thờ Đức thánh Trần và những nơi đông người Việt ghé thăm hay kinh doanh, như trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ và ABC Supermarket, VOA đã được nghe những nhận xét chân thực từ người dân về Thị trưởng Tạ Đức Trí.
Ông Phan Kỳ Nhơn, chủ tịch Đền thờ Đức thánh Trần, nói:
“Đây là một thành công của người Việt tị nạn cộng sản. Đó là một sự hãnh diện, và công sức lớn lao này là từ ông thị trưởng Tạ Đức Trí”.
Ấn tượng chung mà nhiều người cùng nhắc đến là tinh thần vì cộng đồng Việt của ông Trí.
 Ông Tạ Tiến, 76 tuổi, nhận xét:
“Dân chúng ở đây, theo ý tôi, rất vừa lòng với tính cách làm việc của ông ấy. Ông thị trưởng này có nhiều sáng kiến và đi sát với đồng bào. Mọi chuyện về cộng đồng thì ông lo cũng rất tốt”.
Ông Nguyễn Giai, khoảng 60 tuổi, trân trọng dùng từ “ngài” để nói về vị thị trưởng trẻ tuổi hơn mình rất nhiều:
“Lâu lâu vẫn thấy ông trên đài nói chuyện này kia, thấy ngài rất có tinh thần cho cộng đồng”.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, hơn 40 tuổi, hồ hởi nói:
“Ông Tạ Đức Trí, oh, theo tôi thì ông này good [tốt]. Có nhiều công việc của ông có liên quan tới cộng đồng. Tôi rất thích gia đình này. Tôi nghĩ là ông này làm việc tốt. Tôi thấy đa số hội họp hay chuyện gì lớn của cộng đồng đều có mặt ông ấy hết. Ông rất là quan tâm”.
Đến Mỹ năm 19 tuổi trong một gia đình buộc phải xa xứ sau biến cố năm 1975, nhìn lại, ông Trí nói việc tranh cử và phục vụ trên cương vị thị trưởng là cách ông “trả ơn cho Mỹ quốc” đã cưu mang cộng đồng người Việt phải rời đất mẹ. Bên cạnh đó, ông cũng muốn đóng góp cho sự phát triển của thành phố:
“Tôi cũng muốn cống hiến kinh nghiệm và những gì mình đã học hỏi được cho cư dân của thành phố.
 Việc tôi ra tranh cử chỉ trong mục đích tôi muốn phục vụ, cống hiến cho cư dân của thành phố Westminster”.
Ông cho biết thêm rằng tinh thần cống hiến này đến từ ba mẹ. Cha ông là kịch tác gia, mẹ là giáo sư Anh văn ở Hội Việt Mỹ trước năm 1975.
“Ba mẹ của chúng tôi đều dạy dỗ rằng sống trên đời điều quan trọng là chúng ta phải phục vụ và cống hiến. Khi chúng ta cống hiến, phục vụ, chúng ta sẽ mang lại niềm vui cho người khác. Nếu chúng ta qua Mỹ, cố gắng học để đạt được bằng cấp, rồi sau đó đi làm và cố gắng, chắc chắn chúng ta sẽ có cuộc sống ổn định, sung túc. Nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở bản thân, theo thiển ý của tôi, tôi cảm thấy vẫn còn thiếu một cái gì đó. Để thành công cho chính mình, nếu cố gắng, chúng ta sẽ làm được. Nhưng nếu chúng ta cố gắng để phục vụ người khác, chúng ta nghĩ đến người khác, điều đó theo thiển ý tôi, quan trọng và quý vô cùng”.
Điều đó cũng được đánh giá cao trong cách nhìn của ông Hứa Trung Lập, hơn 70 tuổi, kế toán 
trưởng của Đền thờ Đức thánh Trần:
“Tạ Đức Trí là một người trẻ, dấn thân. Ở đây thật sự mà nói sự dấn thân như vậy cũng khó kiếm người. Tôi cũng mong giới trẻ sắp tới sẽ dấn thân thêm”.
 Gia cảnh thanh đạm
Những chữ “cống hiến,” “dấn thân” mà ông Trí và ông Lập nói đến ở đây là chính xác theo nghĩa đen.
Quả thực, công việc của thị trưởng tuy quan trọng, bận rộn nhưng tiền lương chỉ có tính tượng trưng.
 Gia đình ông sống bằng thu nhập của vợ ông, một dược sĩ, là chính. Ông Trí cho biết:
“Lương thị trưởng của thành phố Westminster chỉ có 900 Mỹ kim một tháng. Thị trưởng và các nghị viên đều được bảo hiểm sức khỏe. Đó là những cái rất tượng trưng và căn bản. Ngoài ra, thị trưởng và nghị viên không có được thêm bổng lộc nào khác. Thành ra những người ra tranh cử các chức vụ thị trưởng, nghị viên của thành phố Westminster đều là những người muốn đóng góp hay cống hiến, phục vụ”.
So với thu nhập bình quân đầu người tiểu bang California là xấp xỉ 30.000 đôla/năm, tiền lương của một thị trưởng như ông Trí chỉ bằng 1/3.
Dù vậy, khác với nhiều nước đang phát triển, nơi quan chức chính quyền nhận lương ít ỏi nhưng họ tự “bù đắp” lại bằng các khoản “thu nhập” từ hối lộ, buôn lậu, v.v... ông Tạ Đức Trí không hề có bất cứ chuyện “lem nhem” nào về tiền bạc, theo cách nhìn từ chính cử tri của ông.
Ông Tạ Tiến nhận xét:
“Tôi nghĩ ông Trí không có vụ tai tiếng tiền bạc gì hết”.
Bà Mỹ Dung nói:
“Ông Trí này có giàu có gì đâu. Nhưng mà ông có cái tâm. Tôi thấy vậy”.
Có phần chắc là người dân Westminster không lạ gì về gia cảnh không giàu có của vị thị trưởng.
Gia đình ông gồm vợ chồng và hai con gái gần đây mới chuyển đến ở trong một căn nhà riêng nho nhỏ 3 phòng ngủ nằm trong một khu dân cư trung bình, sau nhiều năm cư trú trong nhà di động (mobile home) trên đường Bolsa, trục lộ chính chạy ngang Little Saigon.
Cuộc sống không giàu có của ông cũng dễ thấy khi hàng ngày ông lái chiếc Toyota Sienna 10 năm tuổi đưa các con đi học, cũng như cho các việc công và tư khác.
Chiếc xe cũ kỹ từ ngoài vào trong với nội thất có lẽ đã nhiều tháng - nếu không phải là nhiều năm - không được lau dọn, cho thấy ít nhất là nếu không vì lý do tiền bạc, thì cũng vì ông quá bận rộn đến mức không có thời gian chăm sóc cho vẻ bề ngoài của chiếc xe.
 Ngày làm việc bận rộn
Ông Trí cho biết một ngày của ông bắt đầu từ 7h sáng. Sau khi đưa hai con gái 10 và 15 tuổi đi học, ông và vợ ăn sáng.
Tiếp đó, do tính chất công việc, có lúc ông có thể làm việc ở nhà, lúc khác ông phải vào văn phòng của thành phố. Đến trưa, vợ ông, dược sĩ Đoàn Quế Anh, đi làm đến tối. Thường 9, 10 giờ tối hai ông bà mới ăn tối với nhau.
Với ông Trí, buổi chiều cũng thường bận rộn công việc hơn vì có họp hành hoặc nghe điều trần từ người dân về các khiếu nại, tranh chấp.
Hai con ông sau giờ học còn tham gia các hoạt động ngoại khóa và rời trường lúc 6 giờ chiều. 
Nếu không bận công việc, ông Trí sẽ đón con.
Nhiều lúc, có những cuộc họp bàn về các kế hoạch lớn của thành phố, hay điều trần về các dự án hoặc tranh chấp kéo dài từ 5h chiều đến hơn 9h tối, buộc ông phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân hai bên nội, ngoại. Ông nói: 
“Trong những lúc thí dụ ngày thường có những cuộc họp khẩn cấp của thành phố, hay thành phố cần tôi, và trong trường hợp tôi không đi đón hai cháu được, thì tôi lại nhờ chị ruột của tôi cũng sống trong thành phố Westminster đi đón hai cháu, lo cho hai cháu. Thí dụ trong những lúc khẩn cấp, các bà chị bên vợ tôi cũng san sẻ, đã và đang giúp cho gia đình chúng tôi từ lúc tôi là nghị viên cho đến thị trưởng. Thành ra, trong 11 năm tôi có cơ hội phục vụ trong vai trò từ nghị viên cho đến thị trưởng, gia đình của chúng tôi đã hy sinh rất nhiều, từ vợ tôi, ba mẹ tôi, ba mẹ vợ tôi, cho đến các chị vợ, anh vợ, đã giúp cho rất nhiều”.
Thành tựu của thị trưởng
Nhờ những giúp đỡ, hy sinh đó, ông toàn tâm toàn ý làm việc vì người dân thành phố. Vị thị trưởng nói ông tâm đắc nhất về hai thành tựu lớn trong nhiệm kỳ. Thứ nhất là nhiều công trình mang dấu ấn Việt được thông qua, hiện diện ở Westminster:
“Riêng với cộng đồng Việt tại thành phố Westminster, chúng ta đã có tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ, chúng ta đã có tượng đài của Đức thánh Trần, chúng ta đã có tên của bảng đường Sài Gòn, và thêm phần tiếng Việt cho Bolsa Avenue là Đại lộ Trần Hưng Đạo, rồi chúng ta có tượng đài thuyền nhân. Và trong năm nay thì thành phố Westminster cùng với tập thể người Việt lại xây dựng được bia tưởng niệm các tướng lãnh, sĩ quan, quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã tuẫn tiết vào 30/4/1975. Tấm bia này cũng là một phần để thành phố Westminster tỏ lòng tri ân sự hy sinh của thế hệ đi trước”.
Ngay sau khi đắc cử thị trưởng, một động thái cũng mang dấu ấn của ông là việc đưa ra hội đồng thành phố bỏ phiếu gia hạn vĩnh viễn nghị quyết “không chào đón, không thân thiện” với sự có mặt của các quan chức cộng sản Việt Nam tại thành phố.
Ở đầu nhiệm kỳ thứ 3, tháng 12 năm ngoái, ông Trí cùng một nghị viên đưa ra nghị quyết chống việc trưng bày “cờ cộng sản” trong thành phố.
Trên bình diện rộng hơn, thành phố phát triển nhiều, thương mại được thúc đẩy, đó là thành tựu thứ hai. Ông Trí nói:
“Thành phố Westminster trong 5 năm qua đã phát triển khá mạnh về mặt kinh tế. Khi tôi lên đảm nhiệm vai trò thị trưởng vào tháng 12/2012, tôi đã đưa ra chính sách phát triển thành phố bằng cách giảm thiểu hết các luật lệ còn rườm rà, giấy tờ không cần thiết để giúp giới thương mại, đầu tư phát triển. Các luật lệ đó đang và đang tiếp tục được cải thiện. Tôi tin tưởng rằng một thành phố muốn phát triển phải là một thành phố hấp dẫn được thương vụ và thương mại. 
Muốn hấp dẫn thương vụ, thương mại, chỉ có một hướng giải quyết là luật của thành phố phải tạo ra sự thuận lợi”.
Chấm điểm cho công việc chính quyền của chồng, bà Quế Anh đánh giá:
“Có thể 8 điểm [trên 10]. Vẫn còn những điều có thể cải thiện được trong công việc. Anh Trí nói chung là người cầu toàn. Lúc nào làm gì đó anh cũng nghĩ có thể sẽ phải làm tốt hơn”.
Nhưng về mặt làm chồng, làm cha, bà Quế Anh cho ông Trí số điểm gần tuyệt đối:
“Vào thời điểm 1998 tôi quen anh, anh là người rất lãng tử. Những bạn bè cũ của anh Trí nghĩ là anh không phải là người thích đời sống gia đình, thích ràng buộc. Nhưng khi có gia đình rồi, anh Trí là người chăm lo cho gia đình, và đặt gia đình lên trước. Những việc liên quan đến hai con gái, bao giờ anh Trí cũng đặt ưu tiên lên hàng đầu. Vì những điều đó, về mặt người chồng, người cha, chắc cũng cho anh Trí được … 9 điểm”.
Tình yêu dẫn dắt sự nghiệp
Hai ông bà quen nhau năm 1998 khi cả hai còn rất trẻ. Điều làm họ gắn bó với nhau là tình yêu văn chương, triết học.
Cho đến hôm nay, ông Trí vẫn không quên ấn tượng buổi gặp gỡ đầu tiên, khi bà Quế Anh say sưa nghe ông nói về triết học, một điều hiếm thấy ở các cô gái trẻ.
Liên tiếp trong năm 1999 và năm kế tiếp, đôi bạn trẻ khi đó đã xuất bản chung các tập thơ và truyện.
Niềm say mê triết học Tây phương và Đông phương của ông có từ khi ông theo đuổi ngành chính trị học. Ông tâm niệm rằng triết học giúp hiểu được giá trị con người và cuộc đời.
Sau này, khi đã trở thành chính trị gia, ông đúc kết thêm một điều: Triết học khiến người lãnh đạo hiểu được giá trị của sự cống hiến.
Nhớ lại những kỷ niệm của hai vợ chồng, ông Trí nói chính bà Quế Anh mới là người đưa ông vào con đường chính trị.
Bà đã chủ động rủ ông sinh hoạt trong tạp chí Non Sông của Tổng hội Sinh viên Miền Nam California, mà theo lời ông Trí, ông đã cố phục vụ để làm vui lòng bà, dù hai người còn chưa chính thức là người yêu của nhau.
Từ những sinh hoạt trong hội, được sự khuyến khích và ủng hộ của nhiều người trong cộng đồng, ông Trí tranh cử và đắc cử Chủ tịch Ban đại diện cộng đồng, phục vụ từ năm 2002 đến 2005. 
Đó là tiền đề cho những thành công chính trị của ông từ 2006 đến nay.
 Nhắn nhủ thế hệ tương lai
Dù rằng làm công việc đúng như một ngạn ngữ của Việt Nam, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ông Trí mong rằng sự dấn thân của ông trong chính quyền thành phố Westminster giúp cho thế hệ trẻ hiểu được hơn “giá trị của việc đóng góp và phục vụ”.
Mỗi cá nhân nỗ lực để bản thân họ thành công trên đất Mỹ đều đáng quý, theo ông Trí. Nhưng ông cho rằng khi các cá nhân giúp cho tập thể thành công, điều đó còn đáng quý hơn nhiều. Ông mong những người trẻ sẽ có nhiều cơ hội dấn thân, phục vụ. Ông có lời nhắn nhủ:
“Sự phục vụ của chúng ta là chìa khóa để giúp cộng đồng chúng ta ngày càng phát triển và tiến mạnh. 
Còn rất nhiều lĩnh vực cần sự dấn thân, cần sự đại diện, cần sự tham gia trong chính quyền để chúng ta có tiếng nói. Cộng đồng chúng ta muốn có tiếng nói trong những quyết định, chính sách, chủ trương từ cấp thành phố, cấp quận, cấp tiểu bang, liên bang, hay chúng ta đành để số phận của cộng đồng cho người khác quyết định?”

Người đứng đầu thủ đô của người Việt tị nạn cộng sản ở Mỹ luôn “thao thức” về việc làm sao để tiếng nói của người gốc Việt ngày càng có nhiều ảnh hưởng sau 42 năm họ xây dựng cuộc sống và hòa nhập vào Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
VOA

No comments:

Post a Comment