Saturday, September 11, 2021

Người Việt ở New York hồi tưởng vụ khủng bố 11 tháng 9

Tòa tháp thứ hai của Trung tâm Thương mại Thế giới phát nổ sau khi bị một máy bay đâm vào ở New York, ngày 11 tháng 9, 2001

 Bà Nguyên Vân dán mắt vào màn hình tivi, bàng hoàng trước cảnh tượng bà đang chứng kiến. Hai chiếc máy bay đâm sầm vào hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới ở quận Manhattan của Thành phố New York, cách nơi bà sinh sống chừng 30 phút.

Những vụ nổ kinh hoàng khoét thủng hai tòa nhà chọc trời biểu tượng của thành phố, vốn là một trong những tòa nhà cao nhất thế giới. Không lâu sau đó, chúng đổ sập tan tành.

Đó là ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Gần 3.000 người thiệt mạng khi những tay không tặc thuộc mạng lưới khủng bố al-Qaida của Osama bin Laden lao bốn máy bay thương mại vào tòa tháp đôi ở New York, Lầu Năm Góc ở thủ đô Washington DC, và một cánh đồng ở bang Pennsylvania.

Biến cố đó đã khiến nước Mỹ và cả thế giới thay đổi mãi mãi, với nỗi đau thương, sự phẫn nộ và cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn kéo dài đến ngày nay.

Hai mươi năm sau, những gì diễn ra hôm đó vẫn còn in đậm trong tâm trí của bà Nguyên Vân, chủ tiệm làm móng 76 tuổi ở quận Bronx giờ đã về hưu. Đó là một sự kiện “nhớ đời không làm sao quên được,” bà nói.

Bà nhớ cả ngày hôm đó bà và nhân viên trong tiệm đều hoang mang không làm việc được mà chỉ tập trung theo dõi tin tức. Rồi bà quyết định đóng cửa tiệm vào buổi chiều trong nỗi bất an và lo sợ cao độ.

“Khi đó tôi có người cháu làm ở gần tòa tháp đó, chỉ có đi hai chân không thôi vì mang giày cao gót chạy không được, đi bộ qua Cầu Brooklyn để về bên [quận] Queens,” bà kể. “Còn con rể tôi lái taxi ở Manhattan cũng mất liên lạc một hồi mấy tiếng đồng hồ. Sau nó chạy bao qua bên [quận] Brooklyn rồi mới về nhà được.”

Dù gia đình và người thân của bà được bình an vô sự sau vụ tấn công khủng bố, bà nói cuộc sống của bà vẫn bị ảnh hưởng nhiều tháng sau đó vì hệ lụy của nó trong khi thành phố chật vật nỗ lực dọn dẹp và tái thiết.

“Cái mùi cháy, những cái chất sắt, đồ vật liệu hòa lẫn với xác người cháy, nó hôi cái mùi khét. Hôi cái mùi đó mà những lúc gió thổi về vùng Bronx này vẫn thấy hôi, cho nên thấy nguy hiểm,” bà cho biết.

“Suối thời gian mấy tháng không dám đi tới Manhattan, mà nơi đó có Chinatown có mấy siêu thị bán thức ăn Việt Nam. Không có dám ra mua thức ăn luôn, chỉ có ở nhà ăn đồ Mỹ thôi không dám ra đó vì cái mùi hôi vẫn còn.”

Đối với ông Liêng Chấn Hoàng, vụ tấn công 11 tháng 9 khiến ông và gia đình ông nhận thấy rõ ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết và sức mạnh của niềm hy vọng.

Ông kể ông không quá lo lắng khi hay tin tòa tháp đầu tiên của Trung tâm Thương mại Thế giới bị tấn công, lưu ý rằng trước đây vào năm 1993 cũng từng có một vụ đánh bom xảy ra tại địa điểm này. Nhưng ông bắt đầu “hết hồn” khi chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp Nam vào lúc 9 giờ 3 phút sáng.

“Em gái tôi làm người phát thư cho [công ty bảo hiểm] Blue Cross Blue Shield. Thường thường khoảng 9 giờ nó mang từ tầng hầm của tòa nhà lên trên lầu cao rồi phát xuống,” ông kể.

Người thân của ông liên tục gọi điện thoại tới cho gia đình hỏi thăm tình hình của cô em gái nhưng không ai hay biết bất cứ tin tức gì vì không liên lạc được. Đến đầu giờ chiều, vài tiếng sau khi cả hai tòa tháp đã sụp, nỗi tuyệt vọng gia tăng và gia đình bắt đầu chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong khi người em gái vẫn bặt vô âm tín.

Ông Liêng Chấn Hoàng giờ làm chủ một nhà hàng Việt Nam ở Manhattan.
Ông Liêng Chấn Hoàng giờ làm chủ một nhà hàng Việt Nam ở Manhattan.

“Bà mẹ cứ khóc lóc, nói là kiểu này chắc là nó mất mạng rồi, sao không thấy gọi về gì hết. Tôi cứ an ủi bả, nói là không chừng không có sao đâu, làm gần ở đó thôi mà chứ không phải trong tòa nhà đó.”

“Tới chiều tối khoảng 5 giờ rưỡi, 5 giờ 45 tự nhiên nghe tiếng chuông ting tong, tôi chạy ra mở cửa thì thấy nhỏ em đã về tới, lúc đó chạy vô kêu bà mẹ ra, bà mẹ khóc quá trời. Tưởng đâu là mất mạng rồi.”

Em gái của ông sau đó kể lại rằng bà đang phát thư thì được người quản lý hối phải chạy ra ngoài ngay lập tức và không kịp mang theo bất cứ thứ gì. Khi bà vừa ra khỏi tòa nhà thì nhìn thấy chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp Nam. Bà ùa vào dòng người tháo chạy và không bao giờ nhìn lại.

Ông Hoàng, 62 tuổi, hiện là chủ một nhà hàng Việt Nam ở Manhattan, cho biết ông phải đóng cửa nhà hàng một tuần sau vụ tấn công vì thành phố bị phong tỏa nghiêm ngặt và vì mùi hôi khói vẫn dày đặc.

Ông nói tác động của vụ 11 tháng 9 đối với hoạt động kinh doanh của ông còn kéo dài nhiều tháng sau đó vì khách du lịch giảm mạnh và người dân hoảng sợ không dám tụ tập ở những nơi đông người.

Biến đau thương thành hành động

Sống giữa sự tàn phá và đau thương, dược sĩ Danny Đặng quyết định dấn thân giúp đỡ cư dân của thành phố để giúp nâng cao nhận thức về những nguy cơ khủng bố tiềm tàng.

Ông nói vụ 11 tháng 9 xảy ra khiến ông “rất buồn” vì nó không những là một vụ tấn công vào nước Mỹ mà còn cả thế giới, vì New York là biểu tượng của nước Mỹ và là nơi mọi người từ khắp nơi trên thế giới đổ về sinh sống và làm việc.

Ông Danny, khi đó là sinh viên trường dược, đã quyết định theo giáo sư học hỏi về bệnh than (anthrax) vì những vụ đe dọa khủng bố sinh học qua thư gây hoảng sợ trong công chúng Mỹ sau vụ 11 tháng 9, và sau đó ông tham gia công tác phổ biến thông tin để giúp người dân đề phòng và tự bảo vệ.

Giờ đây ông là thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Chống Khủng bố Sinh học của New York, với gần 20 năm kinh nghiệm.

“Vụ 11 tháng 9 kêu gọi nơi mình tinh thần cộng đồng, tinh thần sống chung chứ không phải riêng một mình,” ông nói. “Chính vì vậy lúc nào mình cũng nhìn mọi người như gia đình của mình, cho nên mình cố gắng làm tốt công việc của mình. Mình không có nghĩ nó là công việc riêng mà là một công việc chung trong một gia đình lớn.”

“Mình cảm thấy công việc của mình rất là có ý nghĩa,” dược sĩ Danny, cũng là chủ nhân một nhà thuốc tư ở Manhattan, chia sẻ.

Ông Danny Đặng làm chủ một nhà thuốc tư ở Manhattan
Ông Danny Đặng làm chủ một nhà thuốc tư ở Manhattan

Dù hoang mang và lo sợ sau vụ khủng bố 11 tháng 9, một số người Việt ở Thành phố New York nói với VOA họ chưa bao giờ có ý định dọn đi nơi khác, phần vì đã quen sống ở nơi này và phần vì kinh doanh thuận lợi.

Đối với ông Danny Đặng, thành phố này đã trở thành quê hương thứ hai. Sau 20 năm, ông vẫn tâm huyết với sứ mạng thời sinh viên khi New York trải qua những ngày tháng khốn khó nhất.

“Bảo vệ thành phố và bảo vệ gia đình đi chung với nhau,” ông nói từ kinh nghiệm của bản thân. “Vì không có thành phố thì không có gia đình.”


No comments:

Post a Comment