Năm 1945 tình thế bước qua một giai đoạn cam go, đất nước bị tranh giành, xâu xé bởi các đoàn quân viễn chinh thực dân Pháp-Nhật. Tháng Tám 1945, Mặt trận Việt Minh lợi dụng tình trạng phân hóa đã cướp được chính quyền. Và từ đây chiến tranh với những oan khiên, đau khổ ngày một chồng chất, cho đất nước và dân tộc…
Tản cư và di cư…
Thập niên ba mươi, khi làn sóng Đỏ xâm nhập vào các sinh hoạt xã hội thì từng đoàn người đã từ làng này đi tản cư sang làng khác, chạy trốn Mặt Trận Việt Minh cưỡng bách tham gia, ủng hộ hoặc săn bắt “dân công” xảy ra thường xuyên, khắp nơi. Những tổ ám sát với bản án ghi vắn tắt: “Việt gian” để lại trên xác nạn nhân không cùng một chí hướng.
Trung tuần Tháng Năm 1954, báo chí đưa tin: “Hiệp định Geneve sẽ được ký kết giữa thực dân Pháp và Việt Minh ngày 20 Tháng Bảy, chia đôi hai miền Nam Bắc. Miền Bắc thuộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa dưới quyền cai trị của Mặt trận Việt Minh tức đảng Cộng Sản Việt Nam”. Tin về bản hiệp định đã làm hàng trăm ngàn gia đình bất chấp hiểm nguy, âm thầm bỏ thôn làng trong đêm tối, đi đến các thành phố xin di cư vào miền Nam. Với những chuyến phi cơ và những chuyến tàu, Tổng Ủy Di Cư đã thu xếp chuyên chở và định cư hàng triệu người di cư vào miền Nam lánh nạn cộng sản.
Ngay từ năm 1952, khi quân đội Pháp rút khỏi đồn Thứa, bỏ ngỏ thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh trở thành vùng “đậu nhiều hơn xôi” thì mẹ tôi đã âm thầm dẫn anh em tôi bỏ làng, bỏ “phố Thứa” tản cư về quê ngoại thuộc huyện Gia Lương sống một thời gian dài. Sau đó anh em tôi theo mẹ đi bộ xuống huyện Cẩm Giàng tá túc, rồi được anh mẹ tôi đón xuống sinh sống tạm thời ở ngoại ô tỉnh lỵ Hải Dương trong căn nhà một gian chật hẹp, sống chung với hai gia đình em ruột mẹ tôi để chờ thầy tôi đang tìm đường trốn chạy sự săn lùng của Việt Minh. Và từ ngoại ô tỉnh Hải Dương, trung tuần Tháng Tám năm 1954, gia đình thầy mẹ tôi cùng hai gia đình em mẹ tôi đã ghi tên vào danh sách xin di cư và được chở đến bến cảng Hải Phòng tạm trú, chờ ngày lên tàu di cư vào Nam.
Gần một tuần lênh đênh trên chiếc tàu “há mồm” với những con sóng làm cho các ông trung niên và cao niên say sóng nằm bất động, nhiều người đã “ớn” cơm với thịt hộp cá hộp được cấp phát. Nhưng nhờ có những miếng cơm nắm, muối vừng, ruốc thịt heo (chà bông) và cơm nếp mật (gạo nếp nấu với đường) mà mẹ tôi cũng như các bà đã nấu và làm sẵn, được gói thành từng vỉ mang theo lên tàu để ăn qua ngày, nên không ai bị đói.
Vào Nam
Tàu cập bến Sài Gòn, gia đình và bà con thầy mẹ tôi được xe chở lên trại tạm cư Bến Súc thuộc quận Dầu Tiếng tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương), nơi đây có nhà máy và đồn điền cao su ngút ngàn. Bà con miền Nam ban ngày đi cạo mủ cao su, tối về đến thăm chúng tôi, ca hát vọng cổ với những lời ca đượm màu sắc “văn công”, an ủi chúng tôi đừng lo lắng: “Mơi mốt tổng tuyển cử, bà con sẽ được dzề Bắc lợi”.
Tuy vậy, nhiều người vẫn thấy bất an, nên sau đó vài tuần gia đình nào cũng lặng lẽ đón xe đò đi khỏi khu đồn điền cao su. Gia đình và bà con thầy mẹ tôi đưa nhau về Hòa Khánh, xóm Bàu Trai, quận Đức Hòa, tỉnh Long An, sống trong các xứ đạo di cư. Nhưng cũng như vùng Bến Súc, nơi đây cũng là vùng của những gia đình có người tập kết ra Bắc, nhiều người dân địa phương đã có những lời nói tỏ vẻ không thiện cảm với “đám Bắc kỳ di cư”. Nên ba bốn tháng sau, thầy mẹ tôi lại đưa gia đình về định cư ở vùng ngoại ô Gò Vấp, một quận ven biên Sài Gòn.
Cùng với bạn các đồng trang lứa, anh em tôi miệt mài đèn sách với những dự tính cho tương lai. Nhưng tất cả tan theo khói súng khi cường độ cuộc chiến ngày thêm ác liệt sau cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân 1968 của Việt Cộng, và lệnh tổng động viên được ban hành sau đó. Năm 1975, bản Hiệp định Paris 1973 bị cộng sản chà đạp và chiếm được chính quyền. Như những thanh niên cùng cảnh ngộ, không còn lối thoát, tôi đành phải đi trình diện rồi lên đường trên cái xe môtôlôva kín mít chạy xuyên đêm. Nhưng không phải là chuyến lên đường xây đắp tương lai mà là chuyến ra đi không biết ngày về.
Đi “học tập cải tạo”
Với gần tám năm quân ngũ VNCH, tôi đã bị cộng sản đày đọa, sống gần sáu năm khổ sai với năm lần chuyển trại. Lần nào cũng vậy, khi bầu trời còn mờ sương đêm miền biên giới, viên quản giáo xuống ra lệnh cho mọi người có ba mươi phút thu xếp và tập họp để lên đường. Những chuyến ra đi khi trời mờ sáng được lặp lại như một điệp khúc “lên đường rồi xuống trại tù”.
Như cá nằm trên thớt, sinh mạng những người tù không có ngày mai, ngày nào còn thở thì biết mình còn sống. Sống theo đức tin, phó thác và kiên tâm! Chuyển tù nhân từ trại này qua trại và địa phương khác không phải là những chuyến đi để thay đổi đời sống người tù, mà là một đối sách của đảng cộng sản sau những lần phân loại tù theo “lý lịch”, và cũng không để người tù “bám rễ” ở một địa phương. Những ai đã ở tù không thể quên những hy sinh và những chuyến đi đầy nước mắt khắp ba miền Bắc-Trung-Nam qua nhiều năm tháng của cha già mẹ hiền, của người vợ thủy chung, của các cô em gái… đã lặn lội thăm nuôi, trong đó có thầy mẹ và các em tôi.
Đời sống bất định trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa đã tạo nên làn sóng vượt biên khắp nơi. Sau khi ra tù, lại bị quản chế bởi hệ thống công an và phường đội địa phương, tương kế tựu kế, tôi xuống Rạch Giá với tờ giấy giả là giáo viên. Chiếc ghe không có hải đồ hải bàn vượt qua những cơn giông và hải tặc, được thả trôi sau bốn ngày đêm với những bàn tay múc nước ra khỏi ghe và tiếng cầu kinh cho tới trời mờ sáng. Cuối cùng, chúng tôi được thương thuyền Philippines gọi điện cho Hải quân Hoàng gia Thái, kéo về quân cảng Satehip, đúng ngày đầu năm 1981. Rồi từ trại tỵ nạn Leamsing, tôi đi định cư Hoa Kỳ theo diện CAT1.
Câu chuyện của một sĩ quan VNCH
Thời gian sống trong trại tỵ nạn Leamsing Thái Lan, nhờ làm thiện nguyện cho Thái Catholic Actions nên tôi đã đọc và dịch cho tổ chức bác ái này những trang hồ sơ của đồng bào tỵ nạn neo đơn không phân biệt tôn giáo, kể về những chuyến đi đầy bi thảm để yêu cầu được giúp. Tôi vẫn nghĩ chuyến vượt biển của tôi cũng như của các đồng hương khác thật gian khổ. Nhưng sau khi đến Hoa Kỳ được một vài tuần, tôi nhận được lá thư của vị cựu chỉ huy trưởng, kể về chuyến đi di tản của ông…
Tôi cảm nhận được không chuyến ra đi nào mà không gian khổ và bi thương sau khi đất nước rơi vào tay cộng sản, dù là chạy giặc từ làng này qua làng khác hay di cư, di tản, vượt biên, HO hay đi theo diện đoàn tụ. Tôi cảm nghiệm được số phận người dân nổi trôi theo mệnh nước. Nên, dù ra đi theo cách thức như thế nào, ai cũng có những nỗi đau trong tâm tư cũng như những nghịch cảnh đắng cay.
Sau những lời thăm hỏi tôi, ông viết:
“Sáng hôm sau (29-4-1975), Trung tướng Đính gọi bố con tôi xuống, nói rằng có tay Mỹ Rodgar trước mặt nhà, còn một trực thăng, sẽ đưa mình đến một chỗ có tổ chức hành động. Tôi bây giờ nghĩ lại mới thấy là mình đã mất bình tĩnh mà không biết rằng mình đã sống, hành động trong sự hoang mang…
Thành phố từ sáng đến trưa mỗi phút mỗi thêm dao động. Xe cộ từng gia đình chạy tung tóe mà chẳng biết giờ đó còn chạy đi đâu. Đến trưa, ông Đính cho tôi hay tìm ra chỗ rồi, thấy cả Tôn Thất C, Bùi Đình D, Nguyễn Hữu B đang trong nhóm ấy! Ngoài đó có an ninh đồ xanh của USAID canh. Té ra đó là nhà Phó Đại sứ Lechman, có ngờ đâu cả hàng trăm người “của Mỹ” như Lê Văn K, Âu Ngọc H, Vũ Quốc T và nhiều tay bằng cấp học Mỹ về đang nằm chờ máy bay trong đó từ hai hôm nay, từng chuyến xe bus bốc họ lên sân bay C141.
Đùng một cái trực thăng vào rạp trời, Phantom bay lượn trên không, hỏi ra mới biết là Mỹ bốc rồi. Vô phương rồi. Người ta có “tuyau”, cứ mở radio FM hai ngày trước là biết hết các địa điểm trực thăng bốc. Nhờ ông Đính lanh tai, nghe lóm câu chuyện giữa Âu Ngọc H với Tòa Đại Sứ Mỹ lúc đó mới biết là hết không vận rồi. Chạy xuống Kho 6 Khánh Hội trong lúc kẽm gai và cảnh sát dã chiến còn cô lập khu Hội Trường Diên Hồng. Xe ngừng trước cổng Khánh Hội là một rừng người xô đẩy cướp bóc.
Xô được cửa vào sân, mồm ông B hét: “Mở cửa cho Chủ tịch Ủy ban Quốc Phòng (thảm hại thật) vô”. Người gác mở cửa là đè nhau vào. Vào trong, thấy lác đác một vài xe bus Mỹ. Chiếc trực thăng cuối cùng vừa cất cánh thì một xà lan (tải đạn) đầy nhóc người vừa nhổ neo, ông Đính nhanh chân ở trên vẫy tay, tôi và Bé Tý đang ngơ ngác nhìn theo. Một lúc sau từ đâu lại xuất hiện thêm một xà lan (loại tải đạn cho Cam Bốt lâu nay) có tàu giòng (take boat) cặp một bên kéo đi.
Bọn tôi ghì nhau lấy sức chống sóng người xô đẩy để nhảy lên, và tìm cách leo qua bao cát, kẽm gai để vòng quanh lòng tàu. Vào được đến nơi, Bé Tý bảo tôi nó bị ai lột đồng hồ hồi nào. Tôi nhìn cánh tay, thấy xây xát và đồng hồ cũng đâu mất, bây giờ nhớ ra lúc đó con người mình tê điếng chẳng hay biết gì, chỉ hành động theo tiềm thức vậy thôi.
Trong xà lan ngoảnh lại thấy vợ chồng tướng C, đại tá B, mấy ông trung tá ngoài Bộ QP. Và rồi mọi người rủ nhau thủ thế, tránh cái thảm cảnh đặc công giả TQLC trà trộn như những chuyến tàu Đà Nẵng di tản về. Tàu nhổ neo, take boat rú máy lìa bờ. Tôi nhìn lại Sài Gòn, trực thăng đầy trời, súng đì đoàng từng loạt, trong đó cha mẹ anh em mình giờ đây chết sống ra sao.
Tàu chạy một lúc thì có người mở radio, nghe tướng Vĩnh Lộc, tổng tham mưu trưởng đang gọi tướng lãnh, sĩ quan trình diện Bộ Tổng tham mưu 6 giờ chiều. Đài Sài Gòn gọi VC là “những người anh em bên kia”… Rồi trời tối dần, kho xăng Nhà Bè phực cháy, kho đạn Thành Tuy Hạ thì nổ như pháo bông. Hèn quá, 25 năm chiến đấu chưa bao giờ bị ai chê kém lì, mà ngày nay, vứt lại tất cả người thân trong máu lửa – thoát thân với ý nghĩ một ngày kia sẽ làm lại được gì – thật là ảo tưởng, thật là hèn.
Chịu bao sự nhục nhã từ phút này, tàu ra tới ngã ba đèn đỏ, lòng bớt lo vì nơi đây sông rộng, B40 có trúng cũng nhẹ, chung quanh hải đỉnh đủ loại chạy lên chạy về, và rồi tàu đã vào sông Lòng Tảo. Tôi liếc mắt nhìn lên tàu kéo, thấy treo cờ Nhật, lại có anh Mỹ đội nón TQLC, rồi một anh thông dịch viên Việt Nam nào mặt quen quen như một thiếu tá, đại úy nào ở Tổng Cục Quân Huấn mình từng gặp, ra trấn an khoảng 500 trăm người trên tàu, rằng cứ nằm yên, đề phòng kẻ gian lạ mặt, nếu có ai bắn tới cũng nằm yên và có ai lên xét hỏi cũng nằm yên. Tàu đi đến 1 giờ sáng thì mắc cạn, ở một nơi đồng không mông quạnh, chung quanh toàn bùn lầy và dừa nước.
Sau này mới biết mấy cha đặc công của US Marine Corps làm rescue này không thuộc lòng tàu nên lái bậy, bị mắc cạn, ì ạch ba tiếng đồng hồ chờ nước lên mới lại chạy được. Khi ra tới Cần Giờ thì bị bắn mấy loạt. Té ra anh em hải quân Cần Giờ xin quá giang! Trời mờ sáng thì đến Vũng Tàu. Đèn tắt ngóm, anh em Cần Giờ cho hay Vũng Tàu vừa thất thủ hồi khuya, bây giờ chỉ còn sáng bốn ngọn đèn ở chùa Tỉnh Hội, nơi đây anh em nằm vùng dùng cờ Phật giáo dẫn đầu cho “nhân dân nổi dậy”.
Xà lan ra xa, bóng bắt đầu nhấp nhô, nhìn lại thị xã Vũng Tàu, bãi trước, bãi sau, bao kỷ niệm ở đó, rồi đài antene tropo khuất dần. Hạm đội Mỹ lùi ra tới 21 hải lý, bắt đầu thấy vài tàu tuần tiễu. Trời mưa như cầm chỉnh đổ, chung quanh hàng trăm ghe đủ cỡ, treo cờ quốc gia, bắn súng đòi quá giang. Mỗi lần bắn như vậy thì lính Mỹ trên tàu lớn nó bắn lại cho hoặc bị thương hoặc chìm, trực thăng Việt Nam bay vòng vòng hốt hoảng tìm nơi đậu. Đáp đại vào tàu Mỹ vì hết xăng cũng bị bắn, bị còng tay. Chiều tối hôm đó mới bốc xong lên cái tàu chở quân của Cục Quân Vận Mỹ. Chiếc Sargcan Miller của tôi thường có 400 giường nay chở 6,400 người!
Không chỗ chen chân, không có vệ sinh, leo thang ngồi treo ra biển có người rơi mất tích. Họ bắt đầu phát khi 9 giờ tối đến 3 giờ sáng mới xong mỗi người một bát cơm và trộn cá Sardine vào cơm. Năm ngày sau, tàu cặp bến Subic Bay, Phi Luật Tân. Người ta cho đổ xuống một trại tiếp liên, cho ăn uống, mùng mền, ghi danh rồi lấy C130 bốc qua Guam. Trong đêm đó bay suốt đêm, sáng hôm sau đến Guam. Rồi rời Guam đi Boeing 747 qua Los Angeles ở một phi trường quân sự. Bus đón về trại Pendeleton là một bãi tập của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, người ta dựng lều cho ở tạm…
Tôi đi học nghề thợ điện, làm với tiểu bang Virginia từ 16 Sept 77 đến nay, lương bắt đầu 10,000/năm; nay được 18,000/năm. Lúc đầu vất vả, vác thang đi suốt ngày leo bốn tầng lầu. Sau này biết nhiều hơn chef nên mình làm giùm việc cho chef, nghĩa là kiêm điện, nóng lạnh, ống, giấy tờ, báo cáo, kế hoạch, ngân sách… cho một nhà thương thần kinh của tiểu bang. Như chú, tôi nhớ mồn một từng biến cố, từng thay đổi trong 66 năm qua…”
——————
Là người dân Việt sống xa quê hương, ai cũng cảm thấy xót xa khi nghĩ đến đất nước suy vi, văn hóa suy đồi từ khi lọt vào tay cộng sản, và những chuyến ra đi không dự định trong đời của người dân Việt, từ ngày Mặt Trận Việt Minh xuất hiện, chưa kể những cuộc trốn tránh vẫn tiếp tục xảy ra trên quê hương hôm nay.
Đến bao giờ dân tộc này mới chấm dứt những chuyến ra đi trong nước mắt, và đến bao giờ câu chuyện về những chuyến đi gian khổ của người Việt khi đất nước bị xích xiềng bởi bốn chữ Xã Hội Chủ Nghĩa mới thôi được chép lại cho thế hệ sau?
Chu Kim Long
( saigonnhonews)
No comments:
Post a Comment