Sunday, January 21, 2024

Sau gần nửa thế kỷ, người Việt trên đất Mỹ tạo dựng sức mạnh chính trị như thế nào?


Bảng vận động tranh cử năm 2022 ở San Jose, California (Ảnh: Bùi Văn Phú)

[Bài này tôi viết vào cuối tháng 10 năm 2022, trước khi có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống Mỹ và đã đăng trên Saigon Nhỏ Giai Phẩm Xuân Ất Mão 2023. Năm nay 2024 là năm tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ, với cuộc bầu chọn tổng thống, quốc hội và rất nhiều chức vụ dân cử địa phương khác. Riêng tại California, từ Quận Cam lên San Jose trong kỳ bầu sơ bộ vào ngày 5 tháng 3 tới đây sẽ có khoảng 20 ứng cử viên gốc Việt ra tranh các chức vụ từ liên bang, tiểu bang, quận hạt đến thành phố]

*

Hiện có 2 triệu 200 nghìn người gốc Việt tại Hoa Kỳ, đông nhất ở tiểu bang California với 650 nghìn sống tập trung ở Quận Cam thuộc miền nam và vùng San Jose ở miền bắc.

Tuy là tiểu bang có đông người Việt sinh sống nhất nhưng hai dân cử gốc Việt đầu tiên được bầu vào Quốc hội Hoa Kỳ không đến từ California. Người thứ nhất là Dân biểu Joseph Cao Quang Ánh, thành viên đảng Cộng hoà từ tiểu bang Louisiana, trúng cử năm 2008, nhưng chỉ phục vụ được một nhiệm kỳ hai năm và sau đó thất cử. Ông thắng cử trong kỳ bầu cử đặc biệt khi đối thủ bị buộc tội nhận hối lộ. Hai năm sau ông tái tranh cử nhưng không thành công vì địa hạt của ông có truyền thống bầu cho ứng cử viên Dân chủ. Người thứ hai là Dân biểu Stephanie Murphy – có tên Việt là Đặng Thị Ngọc Dung – theo đảng Dân chủ, từ tiểu bang Florida. Bà được bầu vào Hạ viện năm 2016, tái đắc cử hai lần vào năm 2018 và 2020 nhưng sẽ không ra tranh cử năm 2022.

Khi nói đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt, giới truyền thông và các nhà làm chính sách đều chú ý đến tiểu bang California, cũng như khi nhắc đến cộng đồng người Mỹ gốc Cuba giới quan sát chú ý đến sinh hoạt ở tiểu bang Florida. California là nơi phản ánh đời sống kinh tế, sinh hoạt văn hoá, chính trị của người Việt tại Mỹ vì nơi đây được xem là nôi khai sinh ra cộng đồng người Mỹ gốc Việt kể từ tháng 5 năm 1975, sau khi chính quyền Việt Nam Cộng hoà sụp đổ đưa đến việc 130 nghìn người Việt rời bỏ quê hương đi tị nạn cộng sản. Trại tị nạn Camp Pendleton ở phía nam Quận Cam là nơi đã đón 50 nghìn người Việt vào nước Mỹ, sau đó nhiều gia đình được bảo trợ ra sinh sống tại các thành phố trong Quận Cam.

Từ khởi đầu với hơn 100 nghìn người đến Mỹ năm 1975, trong gần nửa thế kỷ qua nhiều đợt người Việt tiếp tục đến định cư qua làn sóng thuyền nhân vượt biển trong hai thập niên, chương trình định cư cựu tù cải tạo học tập HO, chương trình định cư con lai, định cư thuyền nhân tự nguyện hồi hương vào thập niên 1990. Song hành với các đợt định cư trên là chương trình ODP đoàn tụ gia đình vẫn còn cho đến ngày hôm nay.

Như các cộng đồng di dân khác, những năm đầu định cư người Việt lo học hành, hội nhập, lo ổn định đời sống kinh tế nên việc tham gia vào sinh hoạt chính trị chưa được quan tâm nhiều.

Đến năm 1992, sau 17 định cư mới có dân cử gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ là ông Tony Lâm được bầu làm nghị viên hội đồng thành phố Westminster, một thành phố với dân số chưa đến 100 nghìn và có mật độ cư dân Việt 40%, cao nhất ở Quận Cam.

San Jose là nơi có khuynh hướng chính trị khác Quận Cam với đa số cư dân theo đảng Dân chủ. Ở đây đến năm 2002 mới có một ứng viên gốc Việt được bầu vào hội đồng giáo dục là cô Madison Nguyễn. Hai dân cử gốc Việt từ nam và bắc California có thể được xem là đại diện cho hai khuynh hướng chính trị của hai thế hệ của người Việt.


Nghị viên Madison Nguyễn, bìa trái, cùng các ứng cử viên thị trưởng thành phố San Jose trong buổi gặp gỡ cử tri năm 2014 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Khi mới đến Mỹ đa số người Việt ở Quận Cam theo đảng Cộng hoà là điều dễ hiểu, nhưng vùng San Jose cũng có nhiều người Việt ủng hộ Cộng hoà. Theo một tài liệu từ Hội quán Việt Nam, tức cơ quan định cư IRCC do cựu Đại tá Vũ Văn Lộc làm giám đốc, vào năm 1981 số người Việt ghi danh bầu cử chỉ có 120, đến năm 1988 con số tăng lên 6 nghìn, trong số 700 nghìn dân San Jose, người Việt khoảng 70 nghìn. Những nhân vật cộng đồng như các ông Adrong Yklong, Trần An Bài, Nguyễn Xuân Phác, Nguyễn Trung Hoà, Trần Công Thiện đã ghi danh bầu cử trong những năm đầu thập niên 1980, trong các vị đó chỉ một theo Dân chủ còn bốn theo Cộng hoà.

Năm 1988 có Liên đoàn Cử tri người Mỹ gốc Việt ra đời ở San Jose với mục đích kêu gọi người Việt tham gia bầu cử. Ngoài kêu gọi ghi danh đi bầu, San Jose và Oakland còn là nơi ban vận động của các ứng viên đảng Cộng hoà tổ chức gây quỹ tranh cử cho Matt Fong vào Thượng viện Hoa Kỳ, Trần Thái Văn vào hạ viện tiểu bang, Andy Quách tranh chức thị trưởng Westminster, John Quốc Dương tranh cử thị trưởng Irvine, Janet Nguyễn vào thượng viện California, Tâm Nguyễn vào hội đồng thành phố San Jose. Mới nhất là tiệc gây quỹ hôm tháng 9 năm 2022 cho thị trưởng Tạ Đức Trí tranh chức dân biểu tiểu bang.

Về phía đảng Dân chủ, từ cuối thập niên 1980 người Việt vùng vịnh San Francisco đã tổ chức gây quỹ cho Phó Thống đốc Leo McCarthy tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ, Art Agnos tranh chức thị trưởng San Francisco; Art Torres và John Burton vào lập pháp tiểu bang, Madison Nguyễn vào hạ viện tiểu bang.

Ông Lê Trung Hưng, đến Mỹ năm 1975, có nhiều năm là phụ tá cho Dân biểu Tiểu bang Phillip Isenberg, người đảng Dân chủ từ vùng Sacramento, kể lại sự kiện lần đầu gặp lãnh đạo lập pháp của California:

“Năm 1986 trong một lần gặp Chủ tịch Hạ viện California là ông Willie Brown, câu hỏi đầu tiên ông Brown dành cho tôi là tại sao tôi lại ghi tên đảng Dân chủ thay vì Cộng hòa như hầu hết những người Việt ở California. Tôi trả lời là đa số dân Việt đều nghĩ rằng đảng Cộng hòa là một đảng chống cộng trong khi đảng Dân chủ lại thân cộng. Với tôi, điều này không phải như họ nghĩ, vì dưới thời Harry Truman, nước Mỹ đã giúp Nam Hàn kháng cự lại Bắc Hàn khi bị xâm lăng và Tổng thống Truman thuộc đảng Dân Chủ. Tới thời John Kennedy và Lyndon Johnson cũng đã giúp miền Nam Việt Nam chống lại miền Bắc và hai tổng thống này cũng thuộc đảng Dân chủ. Trong khi Tổng thống Richard Nixon và Cố vấn Henry Kissinger thuộc đảng Cộng hoà là những nhân vật chính đã giúp tay để Bắc Việt thắng. Thế nên, có thể kết luận rằng đảng Cộng hoà không hẳn là đảng chống cộng mà nước Mỹ quyết định chính sách dựa trên quyền lợi và ý kiến đa số dân chúng Mỹ.”

Tranh luận về hệ quả của cuộc chiến Việt Nam được người Việt làm nóng lại trong kỳ bầu cử tổng thống 2020 giữa Tổng thống Donald Trump và Thượng Nghị sĩ Joe Biden. Người theo đảng Cộng hoà lập luận rằng sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hoà năm 1975 là do các vị dân cử trong quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát đã quyết định cắt viện trợ. Nay nhìn lại, qua cuộc chiến ở Afghanistan mới đây với sự can dự của Hoa Kỳ trong thời gian dài gấp đôi so với khi can dự vào chiến tranh Việt Nam và tốn kém hơn gấp nhiều lần, nhưng cuối cùng Tổng thống Donald Trump cũng muốn rút quân. Kết quả là cuộc di tản hỗn loạn xảy ra vào tháng 8 năm 2021 khi Tổng thống Joe Biden làm lãnh đạo, không khác gì cảnh người Mỹ di tản khỏi Việt Nam vào tháng 4 năm 1975.

Qua kỳ bầu cử tổng thống 2020, cũng như nhiều người Mỹ, dư luận người Việt đã thật ồn ào bênh vực cho quan điểm chọn lựa lãnh đạo Hoa Kỳ và nhiều lúc hai bên đã tấn công nhau bằng những lời lẽ thậm tệ. Như thế là biểu hiện sinh hoạt dân chủ hay là dấu chỉ của chia rẽ làm suy yếu sức mạnh cộng đồng, sức mạnh nước Mỹ?

Nhìn vào cộng đồng người Việt ở San Jose, thành phố lớn thứ 10 của Hoa Kỳ với gần một triệu cư dân trong đó 8% là gốc Việt, là khu vực có người Việt đông thứ nhì của tiểu bang, từ năm 2005 đã có bốn người Việt là nghị viên, nhưng đến năm 2020 thì không còn ai đại diện trong hội đồng thành phố.

Năm 2005 có Nghị viên Madison Nguyễn là dân cử gốc Việt đầu tiên trong thành phố. Từ một người được xem như “con cưng của cộng đồng”, sau đó cô phải vất vả với cộng đồng người Việt qua sự kiện đặt tên cho khu thương mại Việt Nam, mà Nghị viên Madison không đồng ý chọn tên Little Saigon, dẫn đến việc cô phải đương đầu với một kỳ bầu cử bãi nhiệm, nhưng đa số cử tri đã chọn không bãi nhiệm cô.

Trong các kỳ bầu cử 2018 và 2020 vừa qua vì thiếu đoàn kết nên hệ quả là không còn người Việt trong hội đồng thành phố và năm 2016 cơ hội cho Madison Nguyễn vào hạ viện tiểu bang cũng đã mất, khi cô tranh cử về nhất trong vòng đầu, hơn đối thủ 11 nghìn phiếu nhưng vào chung kết thì thua nghị viên Ash Kalra, một phần vì mất phiếu của cử tri Việt.

Cựu phó thị trưởng San Jose Madison Nguyễn nhận xét: “Một điều tôi nhận ra là trong những cuộc bầu cử gần đây là cộng đồng người Việt có khuynh hướng chia phiếu, ngay khi chỉ có một người Việt ra ứng cử vào chức vụ cấp tiểu bang. Lá phiếu của người Việt có sức mạnh trong quận hạt Santa Clara. Nếu một ứng cử viên gốc Việt có được sự ủng hộ của cộng đồng thì cơ hội thắng cử rất là cao.”

Đã trải qua nhiều kinh nghiệm tranh cử, nhìn lại sự việc đặt tên Little Saigon làm mất lòng tin của một số người Việt, cô Madison chia sẻ:

“Đó là kinh nghiệm sóng gió nhất trong hoạt động chính trị của tôi. Tôi đã học được nhiều bài học và kinh nghiệm trong cách làm việc với cộng đồng người Việt và sẽ nhớ nó suốt đời. Bài học đáng nhớ nhất là tôi đã xem thường sự quan trọng của việc đặt tên. Tôi nghĩ là mình đã làm một việc đóng góp nhỏ cho cộng đồng Việt bằng cách chọn một khu trong địa hạt làm khu thương mại để vinh danh những đóng góp văn hoá và thương mại của cộng đồng chúng ta trong thành phố San Jose. Dự án đó đã không gặp trở ngại nào, nhưng việc chọn tên đã đưa đến vô số các buổi thảo luận và quan tâm từ nhiều nhóm trong cộng đồng.”

Qua nhiều sóng gió của việc này, cô đã nhận ra những thiếu xót của mình: “Phải nói thật là tôi đã không có một kế hoạch đầy đủ để đáp ứng tất cả những quan tâm của các thành viên trong cộng đồng. Thêm vào đó là khả năng tiếng Việt giới hạn của tôi đã không đủ để trình bày quan điểm hay giải thích việc mình muốn làm cho được rõ. Tôi đã phải trả giá. Nhưng đó là những bài học giá trị đã giúp tôi hiểu một cách sâu xa hơn sự quan trọng khi có được cộng đồng ủng hộ.”

Sự kiện chia phiếu trong cộng đồng Việt đã có từ lâu. Năm 2000 không có ứng viên nào thắng cử vào hội đồng thành phố Westminster, nơi có mật độ dân cư gốc Việt là 40%. Năm đó bầu lại hai ghế nghị viên, có sáu ứng cử viên, ba gốc Việt ra tranh cử. Kết quả cả ba đều về chót: Andy Quách được 6115 phiếu, Peter Phước Bùi 2196 phiếu và Dược Tấn Nguyễn 1866 phiếu; trong khi hai người thắng cử là Kermit Marsh được 8893 phiếu và Frank Fry 8381 phiếu. Nếu chỉ có một người Việt tranh cử thì Westminster đã có dân cử gốc Việt kế nhiệm Nghị viên tiên khởi Tony Lâm trong hội đồng thành phố.

Cũng trong kỳ bầu cử đó, không bị chia phiếu nên luật sư Trần Thái Văn đã thắng cử nghị viên thành phố Garden Grove, nơi có 150 nghìn dân mà 30% là gốc Việt. Cư dân bầu chọn hai nghị viên và ông Văn là người Việt duy nhất trong số chín ứng cử viên và đã về nhất.

Năm 2000 có thể coi là dấu mốc của sự biểu hiện sức mạnh chính trị của người Việt tại California. Một phần vì biến cố xảy ra vào năm trước đó khi một chủ cơ sở thương mại treo hình Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng ngay giữa Little Saigon, Quận Cam dẫn đến các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần lễ, có lúc lên tới vài vạn người.

Với cử tri gốc Việt, ngoài những quan tâm chính như đời sống kinh tế, an ninh khu phố, chăm sóc y tế, chính sách giáo dục thì tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam cũng được chú ý, vì thế các vị dân cử dù là Cộng hoà như Robert Dornan, Dana Rohrabacher, Ed Royce hay Dân chủ như Loretta Sanchez, Lou Correa, Alan Lowenthal, Zoe Lofgren đã lên tiếng trên diễn đàn quốc hội về những vụ bắt giam, xử án tù những người lên tiếng cho nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam.

Với khởi đầu có những thành công vào năm 2000 và 2002, đến kỳ bầu cử Tháng 11 năm 2006 đã có 20 người Việt ở Quận Cam ra tranh cử nhiều chức vụ với kết quả 3 dân cử đương nhiệm và thêm 4 ứng cử viên Việt thắng cử vào các chức vụ công quyền.

Thất bại cũng như thành công của các ứng cử viên gốc Việt tại Quận Cam đã cho thấy thế yếu và mạnh của cộng đồng Việt, của các ứng cử viên Việt và là những bài học khi tham gia chính trị dòng chính.

Đến năm 2022 đã có nhiều dân cử gốc Việt trong nghị trường thành phố, trong các hội đồng giáo dục, ủy ban tiện ích trong nhiều thành phố ở Quận Cam. Westminster hiện nay có thị trưởng Tạ Đức Trí và bốn nghị viên thì ba là gốc Việt. Garden Grove từng có thị trưởng gốc Việt Bảo Nguyễn và hiện nay trong số 7 nghị viên thì ba người là gốc Việt. Các thành phố Santa Ana, Fountain Valley cũng đã có dân cử gốc Việt.

Quận Cam cũng là khu vực đòn bẩy đưa người Việt theo đảng Cộng hoà vào lập pháp California trong gần hai thập niên qua, với các vị dân cử Trần Thái Văn, Tyler Diệp trong hạ viện và Janet Nguyễn trong thượng viện.

Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có dân biểu gốc Việt từ Quận Cam trong Quốc hội Hoa Kỳ. Vì sao?

Ông John Quốc Dương, từng ứng cử thị trưởng thành phố Irvine không thành công, là người đảng Cộng hoà và đã có nhiều năm làm việc trong chính quyền của Tổng thống George W. Bush (Con), của Thống đốc California Pete Wilson, nhìn ra khuynh hướng chính trị của cộng đồng Việt đang thay đổi.

Theo ông quan sát: “Tới nay có ít ứng cử viên gốc Việt thành công ở cấp cao hơn là hội đồng giáo dục hay thành phố. Nhưng chiều hướng sẽ thay đổi vì tương lai sẽ có nhiều người trẻ có học và hiểu biết về các chính sách thường nhật, có khả năng truyền đạt những điều đó tới quần chúng vì thế sẽ giúp họ trở thành những ứng cử viên sáng giá để thắng cử. Song hành với các ứng viên trẻ, giới trẻ cũng tham gia bầu cử đông hơn. Với khuynh hướng chính trị ở California do ảnh hưởng từ hệ thống giáo dục và truyền thông nên sẽ có nhiều ứng viên gốc Việt và cử tri gốc Việt nghiêng về phía Dân chủ hơn. Những năng động này sẽ dẫn đến việc có nhiều ứng viên gốc Việt sáng giá để trở thành những vị dân cử tương lai ở cấp cao hơn.

Thêm vào đó, ở cấp thấp hơn, nhiều thành phố ở California đã đổi cách bầu trong toàn điạ hạt thành phố thành các khu vực bầu cử, như thế sẽ có nhiều cơ hội cho người Việt tranh cử và thắng như ở San Jose là một thành phố lớn với một triệu dân, hay các thành phố nhỏ hơn như Westminster và Garden Grove ở Quận Cam.”

Ông Quốc cũng nhận ra rằng khối cử tri gốc Việt thiếu sự đoàn kết, khi so sánh với các cộng đồng châu Á khác, đặc biệt là cộng đồng người Hàn họ hết lòng ủng hộ ứng viên gốc Hàn dù là Dân chủ hay Cộng hoà. Đoàn kết là một phần của bài toán tranh cử để thắng, nhưng thách thức lớn nhất của cộng đồng Việt, theo ông là tìm ra những ứng cử viên đủ khả năng và người ra tranh cử cùng cộng đồng phải có khả năng gây quỹ vận động.


Người Việt vùng Vịnh San Francisco tổ chức gây quỹ cho Phó Thống đốc Dân chủ Leo McCarthy, bên phải, tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ năm 1990 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Người Việt vùng San Jose tham dự buổi gây quỹ cho ứng cử viên Cộng hoà Matt Fong tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ năm 1996 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Trong kỳ bầu cử 8 tháng 11 tới đây có ứng cử viên Cộng hoà Hùng Cao, cựu đại tá Hải quân Mỹ, tranh cử ở tiểu bang Virginia mà ông Quốc cho là sáng giá và có khả năng thắng cử để người Việt có thêm đại diện trong Quốc hội Hoa Kỳ.

Sự kiện chưa có dân biểu liên bang gốc Việt từ Quận Cam được ông Lê Trung Hưng phân tích:

“Orange County nhiều năm về trước với cử tri đa số là đảng Cộng hoà nhưng con số này bắt đầu thay đổi, nên nếu ra tranh cử như là người của đảng Cộng hòa cũng có thể gặp khó khăn. Trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2020, 53.5% cử tri Orange County đã bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ, 44.4% cho đảng Cộng hòa. Những nhóm trẻ người Việt lớn lên được giáo dục ở các trường trung học và đại học tại Hoa Kỳ nên thường cấp tiến và hiểu rõ về chính trị hơn là cha ông của họ, do đó đã có khuynh hướng bầu cho Dân chủ hơn là Cộng hòa.”

Đã quan sát sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ cũng như của cộng đồng Việt trong nhiều năm, ông Hưng cho rằng nếu chỉ dựa vào lá phiều của đồng hương thôi thì không đủ, mà còn cần phải có nhiều người ủng hộ tiền.

Về điểm yếu của cộng đồng, ông Hưng nêu nhận xét: “Bản chất của người Việt thích tụ tập nhưng lại thiếu tình liên kết để tạo sức mạnh. Vì vậy nếu một người Việt tranh cử một chức vụ lớn hơn trong địa phương, người này cần phải dựa vào những nhóm Á Châu khác để lấy hậu thuẫn cũng như gây quỹ tranh cử. Người Việt vẫn chưa đủ khả năng để tạo thành một khối cử tri có tiếng nói. Phải cần thêm một thời gian, khi lớp trẻ trưởng thành, có địa vị và tham dự vào hoạt động chính trị như những người bản xứ, khi đó các chính trị gia sẽ phải chú ý tới người Việt nhiều hơn. Hiện tại, với sự chia rẽ của cộng đồng Việt nhất là ở vùng Orange County thì khó có thể có những dân biểu, thượng nghị sĩ liên bang gốc Việt.”

Cựu Dân biểu Tiểu bang Trần Thái Văn, một người theo đảng Cộng hoà, thì nghĩ khác. Ông cho rằng chính vì cộng đồng Việt có sức mạnh nên các nhóm chính trị tìm cách làm suy yếu.

Theo ông: “Là vì sức mạnh của cộng đồng mình, nói ra có vẻ hơi mâu thuẫn nhưng nhìn sự việc nó là như thế, vì ngay tại Quận Cam, so sánh với tất cả các địa phương như San Jose, vùng Vịnh San Francisco hay quận Fairfax bên Virginia, Houston bên Texas thì Quận Cam hiện nay có đông các vị dân cử gốc Việt nhất và đã có đông rất sớm chứ không phải mới đây. Vì lý do đó, giới chính trị của cộng đồng Mễ và kể cả của hai chính đảng Cộng hoà và Dân chủ họ thấy được sức mạnh chính trị của cộng đồng người Việt nên khi bản đồ các địa hạt lập pháp được vẽ lại mỗi 10 năm thì cộng đồng mình là nạn nhân, bị chia năm xẻ bẩy.”

Ông tin rằng cộng đồng người Việt có người đủ tài năng và kinh nghiệm để được vào Quốc hội Hoa Kỳ vì một dân biểu liên bang đại diện cho 700 nghìn cư dân thì người Việt cũng đã có những dân cử đại diện cho túc số đó, như khi ông Văn được bầu vào quốc hội tiểu bang năm 2004; một địa hạt thượng viện tiểu bang với 900 nghìn dân đã có Thượng Nghị sĩ Janet Nguyễn hay khu vực bầu giám sát viên quận hạt với 600 nghìn dân có giám sát viên Andrew Đỗ.

Cựu dân biểu tiểu bang Trần Thái Văn chia sẻ kinh nghiệm tranh cử vào Quốc hội Hoa Kỳ năm 2010:

“Tôi ra tranh cử đối đầu với bà Loretta Sanchez ở Địa hạt 47 nhưng không thành công vì đó là khu vực có đông người theo Dân chủ và người Mỹ gốc Latinh. Khi đó cộng đồng mình đã bị chia ra làm làm ba cho các địa hạt 45, 47 và 49 nên các ứng cử viên Dân chủ có cơ hội thắng nhiều hơn. Sau kiểm tra dân số 2010 chính ra những nhà lập pháp tiểu bang phải vẽ lại điạ hạt để người Việt có đại diện trong quốc hội liên bang nhưng họ đã chia mình ra làm ba làm loãng phiếu số, vì họ thấy sức mạnh của cộng đồng mình.”

Trong số những sắc dân châu Á, người Việt có tỉ số theo đảng Cộng hoà cao nhất và theo một khảo sát của AAPI.org vào năm 2020, có 46% người Việt ủng hộ Trump và 36% ủng hộ Biden.

Thành phố Westminster được xem như thủ phủ của người Việt ở California, theo số liệu ghi danh bầu cử mới nhất cho thấy số cử tri của thành phố này ghi danh theo cộng hoà (REP), dân chủ (DEM) hay không theo đảng nào (NPP) có tỉ lệ ngang nhau.

Trên toàn nước Mỹ trong hơn một thập niên qua đã có những dân cử gốc Việt trong lập pháp tiểu bang và đa số thuộc đảng Dân chủ như Hubert Võ ở Texas, Trâm Nguyễn ở Massachusetts, Kathy Trần ở Virginia, My-Linh Thái và Joe Nguyễn ở Washington, Bee Nguyễn ở Georgia. Trước đây có Dean Trần là thành viên Cộng hoà trong thượng viện tiểu bang Massachusets.

Tiểu bang California đến nay mới có các ứng viên gốc Việt tranh cử tại địa hạt chứ chưa có ai tranh chức toàn tiểu bang.

Các ứng cử viên chú ý đến khối cử tri gốc Việt thường đăng quảng cáo vận động tranh cử trên báo Việt ngữ ở Quận Cam (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Trong khi đó tại tiểu bang Georgia có Dân biểu Tiểu bang Bee Nguyễn, một ngôi sao của đảng Dân chủ đang tranh chức Bộ trưởng Hành chánh (Secretary of State) trong kỳ bầu cử 8 tháng 11 và được chú ý vì nơi đây đã có nhiều tranh cãi về việc đếm phiếu bầu cử 2020.

Dân biểu Stephanie Murphy đầu năm nay đã tuyên bố tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ, sau đó rút lại ý định và cũng sẽ không tái tranh cử vào Hạ viện sau ba nhiệm kỳ phục vụ, dù bà là ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ. Như thế nếu ứng cử viên Hùng Cao không thắng ở tiểu bang Virginia trong ngày 8 tháng 11 thì sẽ không có người Việt nào trong Quốc hội Hoa Kỳ.

Giả sử như Dân biểu Murphy đã tranh cử và được đảng Dân chủ tiến cử thì cuộc đua giữa Thượng Nghị sĩ Marco Rubio và Dân biểu Stephanie Murphy ở Florida sẽ thu hút chú ý của chính giới Hoa Kỳ, vì cả hai đều có nguồn gốc từ các nước cộng sản là Cuba và Việt Nam và là thành viên của hai đảng đối lập nhau.

Theo Cộng hoà hay Dân chủ là một phần trong nếp sống vì người dân Mỹ có tự do chọn quan điểm chính trị và bầu chọn người đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình, có thể là về kinh tế, an ninh, y tế, giáo dục hay tự do cá nhân. Những quyền lợi đó có ưu tiên cao hay thấp và thay đổi theo đảng cầm quyền nhưng không một đảng nào lãnh đạo đất nước mãi mãi. Lịch sử cận đại cho thấy một đảng cầm quyền nhiều lắm là 12 năm liên tục như thời của Ronald Reagan, rồi qua George H.W. Bush (Cha) từ 1981 đến 1993. Nếu lãnh đạo không được lòng dân thì chỉ một nhiệm kỳ bốn năm như Jimmy Carter, 1977 đến 1981, và Donald Trump, từ 2017 đến 2021. Khi bầu chọn người đại diện cho mình thì thắng hay thua cũng không phải là điều quan trọng vì đó là luật chơi dân chủ.

Để tạo sức mạnh cộng đồng, như cựu Dân biểu Trần Thái Văn đã nhìn ra rằng từ trước đến nay những người đang cầm quyền ở Mỹ cũng như ở các nơi trên thế giới, không bao giờ họ muốn chia sẻ quyền hành. Vì thế người Việt chúng ta phải ủng hộ, vận động, tranh đấu và tham gia bầu cử để có những dân cử gốc Việt trong nghị trường có hiểu biết và phản ánh được quyền lợi và những nhu cầu cần thiết của cộng đồng gốc Việt.

Một dấu chỉ tích cực về việc tham gia chính trị dòng chính của người Việt ở Quận Cam là trong nhiều kỳ bầu cử vừa qua, từ giám sát viên quận hạt đến dân biểu tiểu bang, với kết quả để vào chung kết đều là hai ứng cử viên người Việt. Điều này đã cho thấy sức mạnh của cộng đồng qua lá phiếu.

Bùi Văn Phú

( danchimviet )

No comments:

Post a Comment