Overseas Vietnamese Music - Lá Cờ Thiêng (the Holy Flag)
*-****-----
Vào lúc 14g30 ngày 14/6/2025, tại Paris 13, một buổi tuần hành đã được tổ chức để đánh dấu 50 năm hình thành cộng đồng Việt Nam tại Pháp .
Chân Trời Mới Media
Cuộc diễn hành của người nhập cư lần thứ 40 - Lễ kỷ niệm văn hóa quốc tế,
Thành phố New York, ngày 14 tháng 6 năm 2025 WEST 44 STREET giữa 5 AVENUE và 6 AVENUE, Manhattan Mọi người cầm cờ và ô có màu cờ của Nam Việt Nam.
Nhóm này bao gồm những người tị nạn/gia đình của những người tị nạn đã chạy trốn khỏi Việt Nam sau khi miền Bắc cộng sản xâm lược Nam Việt Nam và giành chiến thắng trong cuộc chiến.
***
40th Immigrants Parade - International Cultures Celebration, New York City, June 14, 2025 WEST 44 STREET between 5 AVENUE and 6 AVENUE, Manhattan People carry flags and umbrellas in the colours of South Vietnam. The group was made up of refugees/family of refugees who fled Vietnam after the communist North invaded South Vietnam and won the war.


Gần 1,000 người Việt tham dự Cuộc Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế tại New York
NEW YORK, New York (NV) – Gần 1,000 người Việt từ khắp nơi trên nước Mỹ và Canada đã tụ hội về trung tâm thành phố New York hôm Thứ Bảy, 14 Tháng Sáu, để tham dự Cuộc Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế lần thứ 40, một sự kiện văn hóa thường niên do thành phố New York tổ chức nhằm tôn vinh sự đa dạng và đóng góp của các cộng đồng di dân.
Đây cũng là năm thứ 25 cộng đồng người Việt chính thức tham gia, đánh dấu một chặng đường đáng ghi nhớ trong hành trình hội nhập và phát triển của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ.
Chủ đề đặc biệt “50 Năm Viễn Xứ: Quá Khứ – Hiện Tại – Tương Lai”
Nhằm kỷ niệm 50 năm cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ (1975-2025), Ban Tổ Chức là Cộng Đồng Người Việt New York và Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại do Luật Sư Nguyễn Thanh Phong làm chủ tịch, chia sẻ: “Cuộc diễn hành năm nay do những người trẻ thực hiện, phần đông là tuổi dưới 50, đã chọn chủ đề ‘50 Năm Viễn Xứ: Quá Khứ – Hiện Tại – Tương Lai.’ Hơn 25 phái đoàn từ nhiều tiểu bang và hàng trăm cá nhân từ các thành phố xa xôi đã cùng hòa mình vào dòng diễn hành đầy sắc màu ngay giữa lòng Manhattan, trung tâm tài chánh của nước Mỹ và cả thế giới.”
Bốn xe hoa lớn đại diện cho ba giai đoạn lịch sử của người Việt hải ngoại
Xe hoa Quá Khứ: Tái hiện hành trình vượt biển tìm tự do với mô hình con tàu vượt biên dài 17 ft, rộng 7 ft, do ca sĩ Thái Hà và thân hữu bảo trợ, Bác Sĩ Phúc Bùi thiết kế cùng sự hỗ trợ của ông Điệu Nguyễn và nhóm thiện nguyện viên.
Xe hoa Hiện Tại: Trình bày hình ảnh các nhân vật tiêu biểu gốc Việt như Thiếu Tướng Lương Xuân Việt, Thiếu Tướng Châu Lập Thể, Thứ Trưởng Hải Quân Hùng Cao, khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, thi sĩ Ocean Vương, vận động viên Olympic Jacky Lưu, Thượng Nghị Sĩ Canada Ngô Thanh Hải, Dân Biểu Tiểu Bang California Tạ Đức Trí, và còn nhiều người khác đại diện cho thành công của thế hệ người Việt trưởng thành tại Mỹ.
Xe hoa Tương Lai: Thể hiện tinh thần tiếp nối của giới trẻ với khẩu hiệu “Nhận đuốc cha ông – Phục vụ cộng đồng – Xây dựng tương lai.”
Xe hoa “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” là xe hoa thứ tư với bản đồ lớn của Việt Nam có hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra, còn có những nhóm khác tô điểm cho sự phong phú của buổi diễn hành như: đoàn xe đạp gồm bốn người, trưởng đoàn là anh Dzũng Đặng, đạp từ biển Tây của San Jose đến biển Đông New York với hành trình 3,004 dặm; đoàn mô tô 12 chiếc do Chủ Tịch Nguyễn Thanh Phong dẫn đầu; một lá đại kỳ do 10 thanh nữ cư dân New York rước, với những tà áo trắng tuyệt đẹp; cùng nhiều xe hoa nhỏ như xe hoa của Liên Hiệp Ban Trị Sự Tòa Thánh Tây Ninh Hải Ngoại; hay xe hoa đặc biệt của phóng viên Bích Phượng thuộc đài VNTV và SBTN được sơn toàn bộ bằng lá cờ vàng ba sọc đỏ Việt Nam Cộng Hòa.
Chương trình nghi lễ trang trọng trong cơn mưa tầm tã
Cuộc diễn hành được khai mạc lúc 11 giờ sáng dưới cơn mưa tầm tã không dứt, với phần nghi lễ chào cờ Mỹ-Việt trang trọng do ông Nguyễn Tường Thược, một bậc trưởng lão trên 90 tuổi, cử hành. Hai MC kỳ cựu Nam Lộc và Mai Linh điều phối một chương trình trang trọng và cảm động.
Buổi lễ có sự hiện diện và phát biểu của nhiều quan khách danh dự, như Hòa Thượng Thích Huyền Việt, viện chủ chùa Liên Hoa, Houston, Texas; Dân Biểu Tiểu Bang California Tạ Đức Trí; ông Sibu Nair, phó giám đốc Văn Phòng Người Mỹ Gốc Á, Văn Phòng Thống Đốc New York; ông Tom DiNapoli, tổng kiểm toán tiểu bang New York; ông Hugo Edward Suarez, giám đốc di trú Liên Hiệp Quốc, cũng là hậu duệ của người đồng sáng lập Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế; ông Tai Shaw, chủ tịch Hiệp Hội APAPA.
Tất cả đều ca ngợi tinh thần dấn thân, tính kỷ luật và sự gắn bó cộng đồng bền vững của người Việt trong 25 năm tham gia cuộc diễn hành này.
Lịch sử và ý nghĩa của Cuộc Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế tại New York
Cũng nên nhắc lại, tổ chức lần đầu tiên vào năm 1986, Cuộc Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế tại New York ra đời nhằm tôn vinh sự đa dạng văn hóa và đóng góp của các cộng đồng di dân trong việc xây dựng xã hội Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm 100 năm bức tượng Nữ Thần Tự Do.
Mỗi năm, hàng trăm sắc dân tham gia với quốc phục, vũ điệu, xe hoa, thể hiện bản sắc độc đáo của riêng họ giữa lòng thành phố Manhattan.
Đối với người Việt hải ngoại, cuộc diễn hành này là dịp để thể hiện lòng biết ơn nước Mỹ đã cưu mang, đồng thời khẳng định chính nghĩa của cộng đồng tị nạn, tôn vinh lá cờ vàng ba sọc đỏ, và ghi dấu những bước tiến đáng tự hào qua nhiều thế hệ.
Những thăng trầm và tranh chấp với Tòa Đại Sứ CSVN
Không phải lúc nào cộng đồng người Việt cũng dễ dàng được chấp nhận tại cuộc diễn hành. Trong quá khứ, Tòa Lãnh Sự Cộng Sản Việt Nam tại New York nhiều lần gây áp lực với ban tổ chức, yêu cầu loại bỏ lá cờ vàng và các biểu tượng của cộng đồng tị nạn. Thậm chí có năm, CSVN tìm cách âm thầm đưa đoàn đại diện mang cờ đỏ sao vàng vào diễn hành, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng Việt tị nạn.
Luật Sư Nguyễn Thanh Phong kể lại: “Năm 1998, Ban Tổ Chức có gọi điện thoại mời cộng đồng chúng ta tham dự. Lúc ấy chủ tịch cộng đồng là ông Trần Văn Đáng và tôi đang làm cố vấn pháp lý. Cộng đồng rất lo không biết phải làm sao. Nhưng sau nhiều cuộc họp cộng đồng người Việt quyết định tham dự lần đầu tiên vào năm 1999. Tôi vẫn nhớ năm ấy chúng tôi chọn hai đề tài để diễn hành là con rồng cháu tiên và đám cưới truyền thống rất thành công. Sau đó để mở rộng, chúng tôi bắt đầu mời các cộng đồng bạn cùng tham dự.”
“Năm 2001, Tòa Đại Sứ Việt Cộng đòi tham gia, tất nhiên là cộng đồng chúng ta phản đối. Họ kiện lên Hội Đồng Thành Phố. Hội Đồng Thành Phố phán quyết công nhận chúng ta có căn bản pháp lý để tiếp tục và chỉ khi nào chúng ta không tiếp tục nữa thì họ mới được vào. Mặc dù thế, họ vẫn theo đuổi ít nhất là 6-7 năm sau kể cả mướn người cầm cờ đỏ trà trộn vào trong hàng ngũ chúng ta hoặc cầm cờ đỏ sao vàng đứng hai bên đường để phản đối. Hiện tại thì chắc chắn họ vẫn đang theo dõi âm thầm chờ cơ hội,” ông kể.
“Với sự kiên trì và nỗ lực không ngừng, cộng đồng người Việt đã giữ vững vị thế, khẳng định vai trò là một sắc dân độc lập, không chịu ảnh hưởng từ chế độ Cộng Sản, và tiếp tục truyền đạt sự thật lịch sử cho thế hệ trẻ,” ông nói.
Cuộc diễn hành năm nay đông đảo nhất, thành công nhất
Trong buổi tiệc tri ân tổ chức vào tối cùng ngày tại nhà hàng Royal Queen, nơi các phái đoàn gặp gỡ trước khi chia tay, nhạc sĩ Nam Lộc – người đã có mặt trong hầu hết 25 kỳ Diễn Hành Văn Hóa của cộng đồng người Việt tại New York – chia sẻ đầy xúc động: “Năm nay, cuộc diễn hành kỷ niệm 50 năm hành trình tự do của người Việt tị nạn là đông đủ nhất và thành công nhất, đặc biệt là tinh thần đầy nhiệt huyết của người tham dự.”
Không khí buổi tiệc như được hâm nóng và cảm xúc dâng cao khi ca sĩ Diễm Liên bước lên sân khấu giúp vui chương trình. Cô đã khiến cả hội trường đồng loạt đứng dậy, xúc động hát theo nhạc phẩm “Xin Đời Một Nụ Cười” của nhạc sĩ Nam Lộc với những câu hát da diết: “Tự do hỡi, tự do… tôi trả bằng nước mắt…”
Ngay sau đó, ca khúc bất hủ “Trả Lại Cho Dân” của nhạc sĩ Việt Khang vang lên mạnh mẽ: “Trả lại đây cho nhân dân tôi. Quyền được nhìn được nghe được nói. Quyền được chọn lựa chân lý tự do…”
Cuộc Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế tại New York năm nay không chỉ là ngày hội văn hóa thường niên, mà còn là nơi cộng đồng người Việt hải ngoại thể hiện tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, và khát vọng bảo vệ tự do, dân chủ, và chính nghĩa tại nước Mỹ.
Cuộc diễn hành còn ghi dấu hình ảnh người Việt tự do đã trải qua từ đau thương đến vinh quang trên chính trường quốc tế, đúng với tinh thần của bài thơ được khắc dưới bệ của bức tượng Nữ Thần Tự Do, phỏng dịch từ bài thơ “The New Colossus” của thi sĩ Emma Lazarus:
“Hãy trao cho tôi, những kẻ mệt mỏi, nghèo đói/ Những đoàn người chen chúc khao khát được hít thở tự do/ Những thân phận khốn cùng từ bờ biển đông đúc/ Hãy gửi họ đến đây – những kẻ vô gia cư, bão dông vùi dập/ Tôi giơ cao ngọn đèn bên cánh cửa vàng tự do!” [qd]
Triều Giang
( nguoi-viet )
No comments:
Post a Comment