Viết cho anh,
một chiến sĩ kiên cường bất khuất
Sau một ngày thứ năm mưa rả rích, những tia nắng lấp ló sau tàn lá buổi sáng thứ sáu đến với tôi như một tin mừng. Nhất là sau gần 3 năm mới trờ lại thăm Little Saigon, thủ phủ của người Việt tỵ nạn hải ngoại, tôi không muốn bó gối chồn chân ngồi nhà nhìn mưa trong tâm trạng của một người bị giam cầm tù ngục.
Cùng với một người bạn, hai chúng tôi đưa nhau ra quán cà phê Starbucks nằm đối diện với Mile Square Park để ngửi mùi cà phê thơm lừng bốc ra từ chiếc máy xay và để được ngồi nghe từng giọt cà phê đầu ngày tỏa hơi nóng vào trong từng mạch máu. Buổi sáng thật dịu dàng, êm ả vì từ phía sau khung kính rộng của quán, chúng tôi có thể nhìn thấy bên kia đường người ta đi lại nhàn nhã giữa màu xanh ngan ngát của cây lá và màu hồng của nắng ban mai. Ngay lúc đó, sau lưng tôi có tiếng người đàn ông Việt Nam hỏi một người khách trong quán chỉ cho ông ta đường đi đến bệnh viện Fountain Valley. Người khách nọ suy nghĩ trong vài giây rồi ái ngại nói ông ta cũng không biết.
Thấy thế, người bạn tôi vội vàng lên tiếng chỉ đường cho người khách lạ. Người khách lạ, một người đàn ông khoảng ngoài 60, mặc nguyên bộ đồ vest màu đen khá trịnh trọng, cho biết ông ta từ phương xa đến cho nên không biết đường. Đang "online", tôi vào Google tra tìm địa chỉ bệnh viện rồi ghi ra trên mảnh napkin trao cho ông để nếu ông ta có máy GPS, sẽ dễ đi hơn . Ông cảm ơn rồi quay lưng bước đi. Giúp được một người, tôi nghĩ hai chúng tôi vừa làm được điều tốt thứ nhất trong ngày. Ý nghĩ đó làm chúng tôi cảm thấy buổi sáng ngồi quán của chúng tôi càng thêm thú vị. Bỗng dưng chúng tôi cảm nhận một cách mơ hồ rằng người đàn ông nọ có cái gì là lạ, nhưng rồi ý nghĩ đó tan biến chỉ trong vài giây sau và chúng tôi lại tiếp tục ngã lưng vào thành ghế cố tận hưởng cái hạnh phúc nhỏ nhoi của buổi đầu ngày.
Cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy đã tồn tại không lâu. Không đầy mười lăm phút sau, qua người bạn khác, chúng tôi được tin một nhân vật với tên tuổi lẫy lừng trong làng ca nhạc đấu tranh chống cộng tại hải ngoại đã đột ngột ra đi. Người ca nhạc sĩ, chiến sĩ ấy không ai khác hơn là Việt Dzũng, một chiến sĩ mà ngay trong nghệ danh của anh đã có tên gọi của Tổ quốc mến yêu.
Cái tin Việt Dzũng trút hơi cuối cùng lan thật nhanh trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ rồi sau đó trên toàn thế giới. Buổi chiều hôm ấy, trên màn ảnh nhỏ, trên Internet, qua làn sóng âm thanh vô tuyến điện, tin anh chết lan truyền dồn dập như giông bão. Cũng nhờ xem tin trên màn ảnh nhỏ mà chúng tôi biết được người đàn ông chúng tôi gặp sáng nay tại quán cà phê là một người làm việc trong giới truyền thông Việt ngữ tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Khi chúng tôi gặp ông ta thì Việt Dzũng vẫn còn tại thế và có lẽ ông đã tìm đến Fountain Valley với hy vọng nhìn thấy Việt Dzũng hồi phục sau bao ngày vật lộn với chứng bệnh tim quái ác. Nhưng không, người chiến sĩ từng thắng biết bao nhiêu trận chiến lẫy lừng trên mặt trận văn nghệ đã không thắng nổi cơn bệnh hiểm nghèo. Anh đã thực sự nằm xuống trên đất khách quê người một sáng thứ Sáu, chỉ 5 ngày trước lễ Giáng Sinh.
Người ta bảo trời Cali khô hạn, nắng nhiều hơn mưa. Tôi nghĩ có lẽ đúng vì ba năm trước tôi đã đến đây vào một ngày gần cuối tháng 12 nhưng không hề thấy giọt mưa nào. Ấy thế mà lần này, buổi chiều trước ngày Việt Dzũng ra đi, trời mưa không dứt. Bầu trời nặng trĩu những đám mây chì xám xịt. Mưa hết buổi chiều, mưa suốt cả đêm làm góc phố của người Việt tha hương cũng buồn như một ngày tháng tư của gần bốn mươi năm về trước.
Để rồi, buổi sáng hôm sau, một người con yêu của cộng đồng tỵ nạn lặng lẽ ra đi. Anh ngã xuống khi tiếng hát vẫn còn thôi thúc cho một ngày quê hương không còn bóng giặc. Ngã xuống khi mộng khải hồi vẫn từng ngày gịục giã. Ngã xuống khi ý hướng đấu tranh vẫn mạnh, chân vẫn cứng, đá vẫn mềm. Phải chăng những giọt mưa của ngày hôm trước là những giọt lệ trời khóc tiễn đưa anh?
Nghe nói anh ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, không vật vã đớn đau. Đi êm như làn gió. Anh đi quá đột ngột, đột ngột đến nỗi có lắm người không tin đó là sự thật.
Trong khi tôi ngồi viết những dòng này, có không ít những cây bút tên tuổi đã và đang viết về anh. Nhiều bạn bè, thân hữu, chiến hữu cũng đã viết về anh. Tôi viết về anh vì cảm thấy không viết không được, thế thôi. Tôi chỉ biết chứ không quen anh. Gặp anh một lần tại Virginia trong những ngày đầu mới đến Mỹ với tư cách của một khán giả, tôi phục lắm. Chiếc xe lăn, đôi nạng gỗ và những khó khăn của thể xác đã không kéo anh xuống mà trái lại còn đưa anh lên cao hơn cho tiếng hát đấu tranh của anh lan xa hơn. Nhìn anh bước từng bước khó khăn, lòng tôi chùng xuống. Nhưng có lẽ anh không cần ai phải tội nghiệp, thương hại cho anh. Anh đã tự chọn cho mỉnh một lý tưởng. Tình yêu quê hương dân tộc đã giúp anh khắc phục được những khó khăn thể xác, cho anh một sức mạnh phi thường để tiến bước trên con đường đấu tranh giải thể chế độ cộng sản tại Việt Nam.
Ngày chủ nhật sau đó, chúng tôi rời Little Saigon để trở lại Virginia. Người bạn ra đón chúng tôi tại phi trường Dulles hỏi tôi "trước năm 1975 Việt Dzũng có đi lính không nhỉ?" Tôi nghĩ có lẽ người bạn tôi không để ý đến yếu tố tuổi tác của Việt Dzũng. Sinh năm 1958, khi Việt cộng chiếm Sài gòn, Việt Dzũng chỉ mới mười bảy tuổi, đâu đã đến tuổi động viên. Hơn thế nữa, với căn bệnh "polio" từ nhỏ, Việt Dzũng đương nhiên nằm trong thành phần miễn dịch vĩnh viễn. Tôi nói với bạn tôi rằng vì bệnh tật và nhỏ tuổi cho nên Việt Dzũng không thể đi lính được. Người bạn tôi thắc mắc không hiểu tại sao một người không đi lính ngày nào lại có thể chống cộng hăng say hơn cả những người đã từng đi lính. Điều đáng nói ở đây là, anh bạn tôi không phải là người duy nhất với câu hỏi tương tự. Lắm người đã ngạc nhiên không hiểu do đâu mà Việt Dzũng lại có một tinh thần đấu tranh chống cộng son sắt như vậy.
Như đã tự thú ở trên, tôi không quen Việt Dzũng và chỉ gặp anh có một lần. Tôi cũng không rõ do đâu mà anh lại trở nên một chiến sĩ văn nghệ chống cộng lừng lẫy, nhưng tôi nghĩ không nhất thiết phải từng là lính hay chỉ có lính mới biết thù ghét cộng sản. Xuất thân từ một gia đình có lập trường quốc gia vững chắc mà phụ thân đã từng là sĩ quan cấp Tá trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tôi tin Việt Dzũng ít nhiều đã được hun đúc tinh thần quốc gia. Tình yêu quê hương dân tộc từ đấy đã luân lưu trong huyết quản của anh. Đặt trên nền tảng đó, người chiến sĩ văn nghệ Việt Dzũng đã chiến đấu không phải bằng đầu gươm mũi súng mà bằng chính thiên tài âm nhạc và tiếng hát thiên phú của mình, tiếng hát với khả năng diễn đạt được những tình cảm sâu xa nhất, tiếng hát với sức công phá mạnh hơn thuốc nổ, tiếng hát như đạn bom không ngừng dội lên đầu quân địch những trận đòn chí tử. Như thế, Việt Dzũng tuy chưa từng mặc áo lính nhưng đã sống và tranh đấu kiên cường với tinh thần bất khuất của một người lính.
Việt Dzũng ra đi, người Việt tự do hải ngoại mất đi một chiến sĩ chống cộng vô cùng tinh nhuệ. Anh ra đi để lại khoảng trống không dễ gì lấp nổi. Một nhạc sĩ chiến hữu của anh cho rằng trái tim vì tự do của anh đã ngừng đập. Không, trái tim vì tự do của anh sẽ không bao giờ ngưng đập! Nó vẫn tiếp tục đập, bền bĩ, kiên trì trong lồng ngực của tất cả những người cùng chung lý tưởng tự do với anh. Nó vẫn đập và tiếp tục đập để có một ngày người Việt tự do cùng nhau đứng dậy quét sạch quân thù Việt cộng và Trung cộng ra khỏi bờ cõi Việt Nam.
Trong ý nghĩ đó, cá nhân tôi nghĩ anh xứng đáng được phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ của Tổ quốc Việt Nam thân yêu cho dù anh chưa bao giờ đứng trong hàng ngũ quân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa. Với hơn ba mươi năm không ngừng dùng tim óc và tiếng hát của mình để đấu tranh cho quê mẹ, anh xứng đáng được vinh danh là một chiến sĩ quốc gia chân chính như những chiến sĩ anh hùng đã nằm xuống tại quê nhà trước năm 1975. Trong tâm tình đó và với cương vị của người đã từng mặc áo lính, tôi xin được đứng nghiêm gửi đến anh một cái chào kính với tất cả lòng ngưỡng mộ và niềm tin cho một ngày mai "quê hương sẽ thanh bình" như có lần anh đã nhắc đến trong một bài hát của anh.
Vũ Đình Trường
23/12/2013
Friday, December 27, 2013
Viết cho anh, một chiến sĩ kiên cường bất khuất
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment