Wednesday, January 1, 2014

Vinh danh ca nhạc sĩ Việt Dzũng, người chiến sĩ đấu tranh không súng đạn cho Tự Do Dân C hủ Việt Nam

Lời tác giả:
      Chúng ta trong hơn 10 ngày qua theo dõi tin tức trên báo chí, liên mạng đều có thể ghi nhận rằng đã có nhiều bài viết, emails và Video Clip đề cập đến một ca nhạc sĩ quen thuộc: Việt Dzũng. 
 Sự ngưỡng mộ đối với Việt Dzũng rất nhiều, tuy nhiên cũng có một số ít vì lý do nào đó đã lên tiếng mỉa mai, chỉ trích. Nhân dịp đầu năm 2014, là người chưa một lần gặp Việt Dzũng tôi mạo muội viết bài tạp ghi này để bày tỏ sự kính trọng tinh thần dấn thân, miệt mài đấu tranh của anh Việt Dzũng, dưới nhãn quan của riêng tôi: "Cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng là một chiến sĩ chống cộng không có số quân và vũ khí" !.
Có thể vì chủ quan qua nhận định, cá nhân người viết nếu vô tình đề cập đến vài dữ kiện tình cờ đụng chạm độc giả nào đó thì mong hoan hỷ cho vì đó không phải là chủ đích của bài tạp ghi này.
 Trân trọng cám ơn (LNC).
                                            +++

Ba ngày sau khi đi xa về thì nhận được hung tin từ diễn đàn chuyển đến :" Ca nhạc sĩ Việt Dzũng đã ra đi hôm 20. December 2013", vài ngày trước Noel. Tôi thật sự bàng hoàng xúc động dù chưa một lần hân hạnh được gặp ca nhạc sĩ Việt Dzũng, có chăng chỉ biết qua những bích chương quảng cáo hay trong vai trò MC của Trung Tâm Asia, Youtube!

   Để tưởng nhớ đến người ca nhạc sĩ đấu tranh mà hầu hết người Việt tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại đều nghe biết, một Đêm Tưởng Niệm và Vinh Danh Việt Dzũng ở miền Tây Nam của nước Mỹ, do Trúc Hồ và Nguyễn Khoa Diệu Quyên của đài truyền hình SBTN phụ trách, MC Nam Lộc huớng dẫn chương trình, gần như đã cô đọng được toàn bộ cuộc đời hoạt động cho tha nhân của ca nhạc sĩ Việt Dzũng. Rất tiếc là ở tận trời Âu xa xôi, nếu không thế nào tôi cũng tham dự để tiễn đưa Việt Dzũng (bắt đầu từ đây xin mạn phép được viết ngắn gọn VD hay cns_VD) lần cuối.
     Ngay sau khi tin ca nhạc sĩ Việt Dzũng bất ngờ qua đời được loan tải thì có vài người đã viết emails trên mạng " chỉ trích " Việt Dzũng này nọ. Tuy nhiên theo thiển ý họ đã quên rằng hay chưa tự hỏi thế thì so với VD họ đã làm được gì hơn Việt Dzũng trong quá khứ chưa hay chỉ dèm pha cho thỏa lòng vì không có bản lãnh như VD, một ca nhạc sĩ, một nhà truyền thông, một nhà báo mà vũ khí chỉ là lời ca, tiếng hát, chuyển đạt tư tưởng chống chủ nghĩa cộng sản, kết án nội thù và hô hào chống ngọai xâm từ phương Bắc ?. Đừng quên rằng cuộc chiến hôm nay của người Việt tỵ nạn cộng sản chống cộng sản hiện tại không phải bằng vũ khí, bom đạn mà bằng "chính trị và vũ khí căn bản của chúng ta sau 30.04.1975 là truyền thông, báo chí, là những bản nhạc đấu tranh mục đích động viên đồng hương tỵ nạn, duy trì tinh thần chống cộng ".
Việt Dzũng là một nghệ sĩ đa tài trong số không nhiều lắm những ca nhạc sĩ tại hải ngoại trên lãnh vực quảng bá, hun đúc tinh thần chống cộng.
     Ai từng làm truyền thông, viết báo với khuynh hướng trên đều bị Việt Gian và tay sai trù đập. Cá nhân người viết nhận thấy VD (còn khá trẻ so với tôi!) ít ồn ào. Có thể nói VD là một nghệ sĩ hiền lành, nhỏ nhẹ, tận tụy với mọi người và nghề nghiệp. Cái nghệ sĩ tính đó, từ Việt Dzũng, tuôn chảy thành những ca khúc trữ tình thật đẹp, hoặc hàm chứa đầy đấu tranh tính được thể hiện trọn vẹn qua nhiều tác phẩm tràn đầy xúc cảm, với những lời nhạc nhẹ nhàng chải chuốt trong tiếc thương, nhưng không kém phần cứng rắng về nội dung.
 
Khi sống, Việt Dzũng đúng là một nghệ sĩ tài hoa và sau khi Chết, Việt Dzũng đã được Tiếc Thương Như Một Anh Hùng.

Theo tin trên Internet và báo chí tôi nghĩ rằng trong Đêm Tưởng Niệm Việt Dzũng rõ ràng không phải là vô cớ, hoặc cũng không phải vì tình cảm, và có lẽ lại càng không phải vì một giây phút bốc đồng khi mà hầu hết các nhân vật cầm đầu hành chánh, dân cử cấp liên bang, tiểu bang cũng như của một thành phố quan trọng vào bậc nhất tiểu bang California, phù trú và đông đúc lại đến tham dự Đêm Tưởng Niệm Và Vinh Danh ca nhạc sĩ Việt Dzũng với những lời phát biểu bày tỏ lòng ngưỡng mộ, thương yêu Việt Dzũng, kèm theo lá Quốc Kỳ, ngoài Bảng Tuyên Dương, Tưởng Niệm, Vinh Danh của họ trao cho thân mẫu và hiền thê của VD.
 Chưa hết, rất nhiều Hội Đoàn, Tổ Chức, Đoàn Thể của Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn ở khắp nơi, trong và ngoài nước Mỹ, thay nhau phát biểu cảm tưởng về Việt Dũng. Nghẹn ngào có, nước mắt có, cảm phục cũng có, và không thiếu yêu thương. Ngay cả ở Úc, Pháp …cũng tổ chức những buổi tưởng niệm Việt Dzũng. Nói chung, VD được đa số ngưỡng mộ, gồm cả Mỹ lẫn Việt, suy niệm anh là một người có nhiều tâm huyết, nhiều công lao phục vụ cộng đồng, đất nước, dân tộc, không chỉ là Việt Nam, mà còn cả trên quê hương thứ hai của anh là Hoa Kỳ. Chừng đó đủ chứng minh cảm tình khán thính giả, đồng nghiệp và ca sĩ dành riêng cho ca nhạc sĩ Việt Dzũng!

    Chứng kiến những sự kiện trên khi xem hình ảnh Đêm Tưởng Niệm qua các Youtube dược phổ biến, khách quan mà nói phải nhìn thấy một điều :"Việt Dzũng vụt sáng lên như một nhân vật tầm cỡ, tuy là một ca nhạc sĩ nhưng với kích thước của một anh hùng không vũ khí trong tay. Một người chống cộng kiên trì, đầy tính vương đạo, xả thân cho đời, cho người, nhưng chẳng mong một đền đáp. Tiếc thay ca nhạc sĩ Việt Dzũng đã giã từ chúng ta khi tuổi đời còn quá trẻ, mới vừa 55 tuổi!.
Ai đã từng nghe bài hát "Lời Kinh Đêm" thì cũng phải công nhận lời hát lột tả tuyệt vời, chuyển tải cái thông điệp đầy bi thương ai oán, đầy thống của những người Việt tỵ nạn nhỏ bé, trên những con thuyền mong manh, chồng chềnh trong bão tố, tương lai mịt mờ. Những người Miền Nam sau 30.04.1975 liều chết, đặt cả sinh mạng mình trong những cuộc vượt biển hãi hùng chỉ vì hai chữ “Tự Do”, vì không chấp nhận chế độ cộng sản tàn ác, gian manh nên đành phải quay lưng lại với quê hương, bỏ nước ra đi. Thông Điệp đó, Việt Dzũng không chỉ nói lên cho những người vượt biển tìm Tự do còn sống sót, mà anh còn nói hộ cho cả những người đã chết, những người không còn cơ hội nào để thông báo những khổ đau, oan khuất của họ đã trải qua sau ngày 30-4-1975, khi tận mắt nhìn thấy cộng sản Bắc Việt lừa dối người dân miền Nam, đẩy họ đi vùng kinh tế mới, lừa dối Quân Cán Chính vào những trại tù ngụy danh là "Trại cải tạo" mà đã có bao nhiêu người ra đi không có ngày trở về !
Riêng nhạc phẩm "Một Chút Quà Quê Hương" có lẽ là bức thông điệp buồn đau của đất nước, của con người Việt Nam từ đó đến nay, đã được Việt Dzũng góp cùng những nhà Sử học chân chính ghi lại đầy đủ một thời đại của Việt Nam dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghiã. Và Việt Dzũng không chỉ là người gửi thông điệp cho lịch sử bằng miệng mà anh còn đấu tranh miệt mài để làm sao, người người bừng tỉnh, phá cho tan cái “huyền thoại cộng sản” đó đi.
Chắc có người sẽ nói là tôi muốn đánh bóng mình qua bài tạp ghi này, nhưng mặc kệ. Nhân đề cập đến bản nhạc "Một Chút Quà Quê Hương" của ns_VD cho tôi được mở ngoặc ở đây chút xíu. Đối với csVN, gia đình tôi thuộc diện "ngụy" đã gặp nhiều khó khăn nên tôi rất thích bài hát này khi được nghe vào thập niên 90. Lý do đơn giản nội dung bài hát phản ảnh khá nhiều hoàn cảnh của tôi vào cuối thập niên 90, trong những năm sau 30.04.1975..
 
Lời hát chất chứa đầy thương yêu:
Gửi về cho chị hộp diêm nhóm lửa
Chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương
giống như cảnh "hoang lạnh với sương mù sớm mai" mà gia đình chị tôi đã trải qua trong những tháng năm đi vùng kinh tế mới, khác xa với thành phố nhỏ chúng tôi từng sinh sống.

Tương tự, tôi may mắn đi trước nên cũng cố gắng với khả năng mình, tuy không đúng nhưng VD cất cao tiếng hát :
Gửi về cho em chiếc nhẫn yêu thương
Em bán cho đời tìm đường vượt biên

nhưng bằng một phương thức khác đã tạo cơ hội cho em út tôi vượt biển tìm Tự Do và tạ ơn trời là đàn em, cháu của tôi may mắn sống sót, lần lượt đều đến được bờ Tự Do.

Lời nhạc sau đây làm tôi xúc động nhiều nhất và rất ưa chuộng vì phản ảnh rõ nét đối với cuộc sống tù tội của Ba tôi sau tháng Tư đen 1975 vì chính tôi là người đã gởi liên tục trong vài năm nhiều loại thuốc- (khác điều không phải là những viên thuốc ngủ như VD viết!) – chỉ mua được ở nơi tôi đang sống cho ba tôi trị bịnh khi đang ở trong tù:

Con gửi về cho cha vài viên thuốc ngủ
Cha ru cuộc đời trong tử tù chung thân !

Để rồi cuối cùng Ba tôi không qua khỏi cơn bạo bệnh và vĩnh viễn ra đi. Tôi nghĩ nếu miền Nam đừng mất thì cơn bệnh của Ba tôi hay nhiều người khác chắc chắn chửa trị được vì nền y tế, bệnh viện của Việt Nam Cộng Hòa khá tân tiến với đầy đủ thuốc men, có nhiều bác sĩ giỏi và bệnh nhân được chăm sóc kỹ lưỡng.

Để tưởng nhớ đến ca nhạc sĩ Việt Dzũng, xin giới thiệu cùng quý độc giả Link của bài hát Một Chút Quà Quê Hương do chính tác giả trình bày:
 

Trở lại với chủ đề Việt Dzũng.
Cùng với nữ ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh, tác giả bản nhạc "Em Vẫn Mơ Một Ngày Về", Việt Dũng và Nguyệt Ánh thuộc Phong Trào Hưng Ca Việt Nam thêm lần nữa viết và gửi đi thông điệp cho tương lai. Thông điệp của nhạc phẩm " Em Vẫn Mơ Một Ngày Về " đã làm rơi lệ biết bao NVTNcs, khi nhìn hai cô bé Cát Linh, Hồng Diễm và cả ngay Nguyệt Ánh, truyền tải bằng hai ngôn ngữ Việt-Anh.

Ôi! Những thông điệp kể trên từ " Lời Kinh Đêm" hay "Một Chút Quà Quê Hương" hoặc "Em Vẫn Mơ Một Ngày Về" tuy hiền hòa nhưng tràn đầy sức sống, tuy giản dị mà nội dung làm ấm lòng biết bao nhiêu NVTNcs khắp năm châu. Một thông điệp bằng lời nhạc dịu dàng nhưng mãnh liệt, trong một hoàn cảnh thất vọng nhưng chất chứa tràn đầy hy vọng.
Ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh thì tôi hân hạnh đã gặp, nói chuyện qua phôn cũng như quen biết vài anh chị em trong Phong trào Hưng Ca VN. Riêng Việt Dũng tôi chưa có cơ hội gặp mặt. Tuy nhiên vì quen với chị ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh nên đã có lần tôi cũng trao đổi emails với VD. Công tâm mà nói dựa theo emails nhận được thì những lời khen đánh giá VD hiền lành, dễ mến, không cao ngạo dù nổi tiếng chẳng phải ngoa đâu!

Có lần, VD đã viết cho tôi (cho dựa hơi, khoe tí) khi biết tôi ủng hộ PTHCVN là anh cần gì cứ nói, nếu có thể em sẵn sàng phụ giúp và gởi sang. Vài người bạn từng quen biết với ca sĩ Nguyệt Ánh, Tuấn Minh hay Tuyết Mai và tôi đã có ý định mời Việt Dzũng cùng PTHCVN sang xứ tôi để trình diễn mục đích khơi động thêm tinh thần đấu tranh của NVNTcs nhưng ý nguyện chưa thực hiện được thì nay VD đã sớm giã từ chúng tôi vĩnh viễn ra đi.

Một kỷ niệm nhỏ khác cho tôi dược ghi ra để chứng minh VD rất tế nhị. Có lần tôi gởi điện thư giới thiệu một nhạc phẩm rất tài tử do tôi (101% không phải là nhạc sĩ) biên soạn sau thời gian ngắn tự học mò thì VD cho biết chuyển đến SBTN; có thể VD thấy nội dung bản nhạc có tên " Sao Đành Ngoảnh Mặt Làm Ngơ " của tôi cũng mang đấu tranh tính nên VD chuyển đến SBTN cho dù nó nằm đâu đó rồi !. Điều này không quan trọng vì tôi chỉ là vô danh tiểu tốt, quan trọng là VD có lòng muốn giúp giới thiệu "tân binh soạn nhạc" như tôi!
Có vài người – không nhiều -đã viết emails kết án trên mạng là VD "không đáng tin cậy", và chắc chắn có người cũng sẽ hỏi, ôi thôi toàn là những lời ca, VD chỉ là ca nhạc sĩ có gì mà xưng tụng ồn ào như vậy?.
 Hỏi thế thì tôi là người thuộc gia đình mà cộng sản liệt kê là "gia đình ngụy", có thân nhân đã từng xông pha lửa đạn trước kia, vốn biết rõ tuy cầm sung chiến đấu gian nan, nguy hiểm, khó khăn bao nhiêu truớc kia, nhưng trả lời rằng bây giờ tình thế hoàn toàn khác xưa. Cuộc chiến hiện tại chưa/không phải là cuộc chiến bằng bom đạn như trong quá khứ, tính cho đến ngày 30.04.1975. Nếu so với Việt Dzũng, một chiến sĩ đấu tranh cho Tự Do, cho Dân Chủ, Nhân Quyền cho VN trên mặt trận không súng đạn, không bắn chết nhau hôm nay, thì cá nhân tôi chỉ là con số không to tướng. Những kẻ chê bai VD tôi không dám thẩm định về trình độ lẫn tư cách của họ tuy nhiên nếu ai đã từng va chạm sự thật thì mới biết chân giá trị của những việc mà Việt Dzũng đã làm. Theo thiển ý, VD chẳng phải là ít gặp khó khăn trên lãnh vực dùng lời ca, tiếng hát và truyền thông để góp lửa đấu tranh, mà sự thật có khi còn hơn thế nữa vì csVN rất sợ "sức mạnh truyền thông"!.
Đâu phải ai cũng tìm được lời nhạc nung nấu tinh thần đấu tranh, đâu phải ai cũng soạn ra những bản nhạc hùng, kích thích lòng người. Không tin những ai hay chỉ trích, mỉa mai cứ thử thực hiện đi rồi sẽ biết. Chỉ trích ai cũng có thể nhưng khi "đụng trận" mới rõ là chính ta chưa đủ khả năng để làm được như nhạc sĩ Việt Dũng (hay Anh Bằng, Nguyệt Ánh ..v..v…).
Chúng ta đừng quên, cộng sản DDR đã làm khó dễ, tống giam nhiều nhà văn, nhà báo, ca nhạc sĩ tuy không có súng đạn trong tay nhưng cộng sản Đông Đức sợ ngòi bút, sợ những bản nhạc đấu tranh hay kêu gọi xuống đường đòi quyền sống, đòi Tự Do Dân Chủ của những người Đông Đức ra mặt chống đối chế độ cộng sản trị trước khi DDR sụp đổ . Và câu hỏi thử đặt ra, tại sao những kẻ này lại im lặng không dám chống cách triệt để đám văn công hay nhạc nô ca ngợi chế độ cộng sản VN đương thời công khai hoạt động ở hải ngoại ???
Đừng quên rằng gần đây, nhiều nhà độc tài phải ra đi qua những bài báo, nhiều ông Tổng Thống, Bộ trưởng từ chức hay thân bại danh liệt cũng bởi "loại vũ khí không súng đạn này, bằng một ngòi bút" và cũng đừng quên chính nhờ hệ thống truyền thông, truyền hình, kỹ thuật thông tin nhanh chóng hiện tại mà những nhà đấu tranh đòi quyền sống, đòi Tự Do Dân Chủ ở Phi Châu, Trung Đông …đã kêu gọi và tổ chức những cuộc biểu tình rầm rộ đưa đến sự sụp đổ của các nhà độc tài đảng trị như Ben Ali, Mubarak hay Gaddafi.

Thay lời kết:

Là một phó thường dân tôi chỉ đề nghị những ai dù không thích ca nhạc sĩ Việt Dzũng với bất cứ lý do nào hãy để cho hương linh người quá cố được yên nghỉ.
Nếu ai đó cho rằng hơn VD trên khía cạnh chống cộng mà vũ khí là lời ca tiếng hát, phương tiện truyền thông … nói riêng thì hãy chứng minh bằng hành động. Nếu làm hay hơn, giỏi hơn VD thì tự động tha nhân sẽ biết và ngưỡng mộ. Không cần sử dụng những hạ sách.
Xin hãy bình tâm nhìn hình ảnh buổi tang lễ, hãy lắng nghe những lời phát biểu, hãy bỏ vài phút giây nhìn những giòng lệ chảy dài trên má của khán thính giả ái mộ ca nhạc sĩ Việt Dzũng hầu từ đó xác định lại thế đứng của mình và cũng nên tự hỏi rằng: khi ta chết có được như vậy hay không và tại sao?. Cá nhân người viết nếu so sánh thì thật sự thua xa và không bao giờ chiếm được sự ngưỡng mộ của mọi người như Việt Dzũng nên chỉ biết trân trọng sự vinh danh của người Việt nói chung dành riêng cho ca nhạc sĩ Việt Dzũng.
Với tôi,
Khi sống, Việt Dzũng đã sống đúng với tư cách của một Nghệ Sĩ.
Và sau khi Chết, Việt Dzũng được tiếc thương như một Anh Hùng.
Tục ngữ Việt Nam vốn có câu: "Hùm chết để da, người ta chết để tiếng !"
Ai muốn tiếng tốt, được sự ngưỡng mộ, tiếc thương giống như cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng thì
đề nghị hãy cố gắng làm việc, hy sinh tận tụy như Việt Dzũng đi, thay vì chỉ trích bâng quơ!

* © Tạp ghi của Lê-Ngọc Châu
(NamĐức, đầu năm 2014, chiều ngày 01.01.2014)

No comments:

Post a Comment