Hải Long
2015-04-23
Bốn mươi năm đã trôi qua từ khi Sài Gòn thất thủ (30/04/1975), nhiều người đã liều mình vượt biên, khi đường rừng, lúc đường biển với mong muốn tìm được một bến bờ tự do. Bao nhiêu người đã phải bỏ mạng trong những đoàn người lũ lượt ra đi? Không ai có thể thống kê chính xác được. Hồi tưởng lại những ngày tháng lênh đênh ấy, không ít người đã phải giật mình. Có những câu chuyện đến cả người trong cuộc cũng phải thốt lên rằng “Nếu không phải là phép mầu thì điều đó không thể xảy ra!”.
Chị kể tôi nghe
“Mình là người ở Lạc Sơn - xã Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng (nay thuộc xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương). Lạc Sơn được dựng lên vào khoảng thời gian của “Cuộc di cư 1954” với phần đông là người Công Giáo. Sau biến cố 30/04/1975, trong đại gia đình mình người thì lưu lạc, kẻ mất tích, người phải đi cải tạo. Cuộc sống càng lúc càng trở nên hết sức khó khăn, gia đình mình biết không thể sống tiếp trong chế độ Cộng sản nên đã bắt đầu tính toán tìm đường vượt biên. Đầu tiên, một vài người trong gia đình theo Fulro để vượt biên bằng đường rừng, còn những người khác lo chuyển gỗ xuống Bà Rịa để đóng tàu vượt biển.
Năm tháng trôi qua, người thân và đồng hương của gia đình mình đã thất lạc nhau và không ít người đã phải bỏ xác trong rừng sâu hay ngoài biển cả. Ba má mình cưới nhau năm 1975, sanh ra một người con trai trưởng, sau đó tới mình và 5 người em trai. Ngày ấy, dù còn bé nhưng mình vẫn lõm bõm nghe được những toan tính lo âu của gia đình.
Vì đi theo ba suốt nên chuyện học hành của mình cũng bị dang dở. Lớp 1 học được 2 tháng ở Bà Riạ, học lớp 4 được nửa năm ở Phú Nhuận rồi sang lớp 5 được cũng chỉ vài tháng…, nhưng cũng may ba là người siêng năng, dù phải đi suốt nhưng mỗi khi rảnh rỗi hay tối đến là ngồi dạy cho mình học. Ngoài dạy kiến thức văn hóa, ba còn dạy cách làm người và cả… cách sống sót khi vượt biển.
Mình số con rệp, cứ những chuyến đi không có mình thì lọt, những chuyến đi có mình thì đều gặp trục trặc: kẹt xuồng, mất dầu, thiếu đồ hoặc bị bắt. Những khi bị bắt ở Vũng Tàu thì tương đối dễ, họ chỉ tạm giữ ít lâu, tịch thu đồ đạc rồi cho về, vì họ không điều tra được ai là chủ tàu, ai là tài công và trại giam thì quá tải.
Gian nan nhất là những chuyến vượt biển bất thành, bị bắt ở vùng dưới (Vùng IV). Lần đó, gia đình mình đang vượt biển ở Bến Tre thì tàu mắc cạn và mọi người bị bắt. Tàu chênh vênh nằm trên vùng sình lầy, công an chỉ bắc miếng ván nhỏ cho mọi người leo xuống, đồ đạc gần như không cầm theo người được. Má mình tay bế thằng em còn đỏ hỏn mới tháng rưỡi theo ván tụt xuống, gần tới dưới ngó lên ghe thấy công an cầm gói đồ của mình lục lấy tiền đút túi. Lúc ấy, chẳng hiểu má nghĩ gì, tay vẫn ôm chặt em mình chạy lao ngược trở lên giành lại số tiền từ người công an kia.
Trước phản ứng mãnh liệt của má, người đó đành trả lại cho má mình. Nếu người đó xô má mình xuống thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Người dân trong vùng đến xem rất đông, có rất nhiều người tốt giúp đỡ mọi người vào bờ, cũng có những kẻ tới chỉ để hôi của. Sau đó, mọi người bị chuyển tới trại giam, già trẻ lớn bé đều bị lột trần và khám xét kỹ lưỡng nhằm tìm ra vàng bạc cất giấu. Sau khi tra hỏi, mọi người được chia ra các phòng giam, người lớn bị bắt làm việc nặng, trẻ em thì đi nhặt trái trứng cá cho cá ăn. Những ngày đầu vào trại, tới giờ cho cá ăn, mọi người đều sắp hàng ngay ngắn để ra cầu cá (đi đại tiện). Mình đi hẳn ra ngoài cho đỡ khó chịu, những người còn lại ai cũng nhịn vào phòng mới đi. Nguyên nhân là khi bị bắt, người này nhắc người kia nuốt hết vàng bạc vào bụng. Những ngày đầu, có nhiều người không để ý, đi hẳn ra ngoài nên mất luôn vàng bạc.
Trại mình ở được dựng bằng tôn và có vài lỗ đinh, những đứa nhóc như mình hay nhìn qua lỗ đinh vì nó nhìn ra cổng trại. Mỗi khi có thăm nuôi thì đứa nào cũng nhìn qua lỗ đinh với cặp mắt đầy hi vọng, mong sao lẫn trong đám người đó là người thân của mình. Bị giữ ở Bến Tre một tháng thì họ thả mấy má con mình, còn ba phải ở lại lao động 6 tháng mới được thả.
Khi trở về, ba và bác quyết định làm chuyến chót. Chuyến đi này, ngoài gia đình còn có bác mình và vài người hàng xóm. Tất cả mọi chuẩn bị đều diễn ra trong bí mật và hồi hộp lo sợ.
Rạng sáng thứ sáu ngày 13/06/1986, khi bầu trời Vũng Tàu còn tối đen như mực, chiếc ghe nhỏ chở đoàn người nhằm chiếc tàu đang chờ sẵn vọt ra. Sau 8 tiếng lênh đênh trên biển, tàu vừa ra khỏi hải phận Việt Nam không xa, mọi người phát hiện một chấm đen phía cuối chân trời, càng lúc càng tiến gần với tốc độ rất nhanh. Sau một hồi bàn tán, ai nấy đều lo sợ gặp phải tàu cướp biển Thái Lan. Lúc này, ông chủ tàu ra lệnh quay đầu chạy ngược vào bờ. Bị rượt đuổi, chiếc tàu bé xíu như như muốn vỡ toang lồng ngực, rên lên hổn hển. Trên nền biển, tàu trở nên quá nhỏ bé trước trước bóng đen phía sau, mỗi lúc một to lớn. Chạy được một đoạn, mọi người trở nên hoảng sợ khi biết tàu sắp cạn dầu. Lúc này, đàn ông chia nhau vũ khí cầm tay, còn phụ nữ và trẻ em ở dưới khoang thì đọc kinh cầu nguyện.
Việc gì đến cũng đến, con tàu lớn rẽ vòng qua đầu, chặn chiếc tàu nhỏ. Mọi người trở nên tuyệt vọng. Mọi hi vọng đều đổ dồn hết vào chuyến cuối, giờ gặp cướp biển thì xong, bởi sự tàn ác của cướp biển Thái Lan thì tất cả mọi người đều đã được biết. Trước số phận nghiệt ngã, mọi người đành phó mặc.
Lúc ấy, từ trên tàu lớn, tiếng loa phát ra một giọng nữ bằng tiếng Việt "Xin mọi người đừng sợ! Chúng tôi là tàu Cap Anamur 2, đến để cứu người vượt biển".
Con tàu dừng lại không tiếp tục bỏ chạy, dù mọi người có vẻ vẫn chưa tin điều mình vừa nghe, nhưng có cố chạy cũng không thoát được. Và khi cận kề, tàu Cap Anamur 2 hiện ra sừng sững như thần Heracles dũng mãnh, chiếc tàu của đoàn người vượt biển bỗng trở nên hết sức nhỏ bé. Sau khi để mọi người gom góp tư trang và chuyển lên tàu lớn, chiếc tàu được đốt cháy.
Tàu Cap Anamur 2 quay đầu, nhanh chóng rời hải phận Việt Nam. Trên tàu còn có những thuyền nhân khác được vớt trước đó và một số người đi theo để thông dịch. Con tàu chạy vòng trên biển để vớt thêm người. Ở trên tàu 3 tháng, lòng mình cồn cào một nỗi nhớ da diết. Ôi sao nhớ nhà nhớ bà con chòm xóm, nhớ cả những lúc má bắt đi cắt cỏ cho bò, băm rau cho lợn. Nhớ mùi cơm, thèm nước mắm. Có một gia đình chủ ghe, khi lên tàu lớn mang được theo chai nước mắm, tằn tiện ăn, không nỡ cho ai. Tất cả mọi người đều được khám bệnh định kỳ, trẻ con và dường như cả người lớn cũng đều thích thú vì mỗi lần đi khám bệnh sẽ được cho kẹo.
Khi tiết trời chuẩn bị chuyển Thu cũng là lúc tàu Cap Anamur 2 chuẩn bị cập cảng Hamburg. Lúc này, số thuyền nhân trên tàu là 357 người. Một điều mà mọi người khi đó không hề biết là nước Đức chỉ có 2 tiểu bang chịu nhận thuyền nhân, một tiểu bang 100 người và một tiểu bang 50 người.
Ngày 05/09/1986, tàu cập cảng Hamburg.
Từ xa khi chưa đến bờ, mọi người đã một phen hồn vía lên mây khi thấy những chiếc trực thăng quần đảo trên không hộ tống con tàu vào bờ. Trên bờ, từng nhóm người đứng vẫy chào chờ đợi, càng gần cảng thì càng đông đúc. Trong số họ, có cả những người Việt đã đến Đức từ trước.
Khi tàu đã cập bến an toàn, chỉ có một em nhỏ bị bệnh và hai cô có thai là được rời tàu liền, còn mọi người vẫn phải ở lại trên tàu. Sau khi mọi thủ tục hoàn tất (đúng hơn là đã tìm được nơi ăn chốn ở cho tất cả 357 người tị nạn), mọi người được chuyển lên bờ. Nhiều nguời lúc này chân đi không vững, phần vì quá xúc động, phần vì ở trên tàu quá lâu nên "say đất". Đoàn người tị nạn đi ngang qua những người bản xứ, được họ dúi vào tay những đồng bạc cắc với nụ cười thật thân thiện, cảm thông. Mọi người được chia lên những chiếc xe bus chờ sẵn để chở đến trại tị nạn của mỗi tiểu bang. Trại nơi mình đến nằm ở thành phố Bergkamen Oberaden - một thành phố nhỏ với những mỏ than của tiểu bang Nordrhein-Westfalen.
Tuỳ theo số người trong gia đình hoặc độc thân, mọi người được chia phòng ở phù hợp. Nhằm giúp hoà nhập cuộc sống, rất nhiều đồng hương đã nhiệt tình giúp đỡ, đến hỏi thăm, đưa đi khám bệnh, chủ nhật đến đón đi lễ hay đưa về nhà chơi. Các hội đoàn từ thiện giúp đỡ đồ dùng vật chất, làm giấy tờ bảo lãnh gia đình. Chính quyền thì giúp đỡ khi có khó khăn, mở lớp dạy tiếng Đức, kiếm việc làm giúp, hoặc cho đi học nghề. Các em nhỏ mau chóng hội nhập đến trường lớp.
Cuộc sống mới nơi đất khách đầy ngỡ ngàng, may mắn là mọi người luôn nhận được những giúp đỡ nhiệt tình.
Chẳng bao lâu, mọi người từ lớn tới nhỏ đều cảm nhận được tự do thực thụ”.
Tôi và chị có nhân duyên với nhau nên thường tâm sự. Mỗi tháng Tư về lòng chị lại ngổn ngang hoài niệm. Đau đớn, buồn vui, day dứt…, chỉ có người trong cuộc mới rõ ràng được. Những ký ức ngày xưa có lẽ chỉ tạm quên khi chị rời khỏi cõi đời này. Hiện chị có một tiệm may nhỏ, và làm đại biểu người Việt Nam tại thành phố để tiện giúp đỡ cho cộng đồng người Việt hoặc hoặc những công việc của thành phố như thông dịch, đấu tranh quyền lợi cho đồng hương.
No comments:
Post a Comment