Câu chuyện thành công của diễn viên Quan Kế Huy khơi lại một cách sống động về hình ảnh của “giấc mơ Mỹ” – giấc mơ đã nuôi dưỡng hàng triệu người và bao thế hệ cập bến đất nước Hợp Chủng Quốc từ trước Thế chiến II, đặc biệt với người Việt Nam sau ngày 30 Tháng Tư 1975. Đó là điểm đến chung của nhiều con người, nhiều thành phần, và kể cả giấc mơ Mỹ có nhiều tầng nấc khác nhau.
Nhắc lại chuyện này, Thompson Nguyễn, thành viên Hội đồng của Forbes, cũng là một người xuất thân từ gia đình tỵ nạn sau 1975 và chạm được đến “giấc mơ Mỹ” của mình, tự nhận định rằng “Đối với những người nhập cư, giấc mơ này là được tự do làm việc ở bất cứ đâu họ muốn, mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái họ, hoặc đơn giản là được an toàn trong cuộc sống hàng ngày của họ”.
Tự do, tương lai và an toàn – có thể đó là một tóm tắt khá đầy đủ, và mang tính chân lý của một phần nhân loại trên địa cầu này khi quyết định từ bỏ nơi sinh ra, và đi về nơi là họ tin rằng sẽ tìm thấy những điều tốt đẹp hơn.
Nghe có vẻ xưa cũ như những người từ thời lập quốc Hoa Kỳ, viễn du tìm vàng hay chọn đất đai cư trú, nhưng thật ra, những con người mang giấc mơ Mỹ đó, mang theo sự cống hiến và đóng góp cho ước nguyện của họ cho quê hương mới.
Với ông Quan Kế Huy, ông đã sống, theo đuổi sự nghiệp với tài năng nghệ thuật của mình và được nhìn nhận, trở thành những tầng lớp ưu tú nhất của nước Mỹ, bất chấp ông từ đâu đến, màu da nào và thậm chí giọng nói tiếng Anh của ông luôn cho thấy ông là người nhập cư.
Loại trừ những giá trị của thuyết định mệnh, người ta nhìn thấy giấc mơ Mỹ được chia sẻ cho các nỗ lực và tư duy lớn. Thompson Nguyễn bộc bạch rằng “Điều mà cha mẹ tôi dạy tôi, là mọi người nên cảm thấy được trao quyền để theo đuổi ước mơ của mình. Tôi biết không ai dám chắc chắn với hành trình đến với giấc mơ Mỹ của mình, nhưng đằng sau những người dấn tới đều là sự gan góc và quyết tâm để thành đạt”.
Tôi có một anh bạn đang sống ở Lancaster, Pennsylvania, xuất thân từ Kiến Hòa (giờ là Bến Tre). Sau 1975, học dở dang Bách Khoa Phú Thọ, anh lên tàu đi tìm cuộc sống khác, mà cũng không hình dung giấc mơ Mỹ là gì. Mọi thứ chỉ bắt đầu với suy nghĩ tự do, tương lai và an toàn. Mất mấy năm mang mặc cảm là người nhập cư, và chỉ mong kiếm sống bằng nghề học sửa xe, thế rồi, một ngày qua cuộc trò chuyện với ông chủ người Mỹ, anh nhận ra rằng đến nước Mỹ luôn có hai thành phần thị dân: kiếm sống và yên ổn sống bên lề của đời sống Mỹ, hoặc là dấn tới, tham gia vào mạch chính của đời sống Mỹ. Muốn có được giấc mơ đó, phải dấn tới.
Anh bạn đó kiên tâm đi học tiếng Anh để có thể học cao hơn ngành mà mình theo đuổi là hóa học và khoáng sản tự nhiên. Không cần diễn tả, cũng có thể biết được bao nhiêu là khó khăn và kể cả mặc cảm và những thách thức hội nhập. Những ngày ông thầy giảng nhanh, anh bàng hoàng không hiểu, phải vào thư viện mượn sách tự học lại.
Cảm giác sợ bị tụt hậu ám ảnh anh đến mức có lúc muốn khóc. Thế rồi, anh tốt nghiệp và được tuyển dụng trở thành chuyên viên nghiên cứu cấp cao của tập đoàn Alcoa – tập đoàn sản xuất nhôm toàn cầu tiên tiến nhất thế giới. Với hơn 12,000 nhân công của Alcoa, tên của anh bạn là một điểm sáng đặc biệt cho đến khi anh về hưu.
Những trường hợp như anh bạn Việt Nam đó có vô số trong những dòng người tỵ nạn từ Việt Nam, rách rưới, đói khát cập bến ở mọi nơi trên thế giới sau biến động ở quê hương mình. Có những người tỏa sáng trên truyền thông, nhưng cũng có những người im lặng biến mình thành những điểm tựa hãnh diện của thế hệ chọn ra đi khỏi thực địa hôm qua, và mang quê hương không thay đổi của mình trong trái tim, tìm về một cuộc sống mới tự quyết.
Một thống kê năm 2019 của Viện Gallup, cho thấy có đến 70% người trưởng thành ở Hoa Kỳ – thuộc các chủng tộc, giới tính, đảng chính trị và thu nhập – đều nhìn nhận rằng giấc mơ Mỹ là điều có thật, và có thể đạt được.
Bên cạnh đó, có đến 80% triệu phú tự lập là người nhập cư lẫn người Mỹ gốc. Trong danh sách 500 công ty thành công (Fortune 500), người ta tìm thấy có ít nhất một người sáng lập là người nhập cư hoặc con của người nhập cư, theo số liệu thống kê từ New American Economy. Và cho đến ngày hôm nay, Hoa Kỳ vẫn là điểm đến hàng đầu cho những người nhập cư có ước mơ lớn. HIện có 20% người nhập cư trên thế giới đang ở Mỹ.
Giấc mơ Mỹ hôm nay rất dễ tìm thấy riêng trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại, với đủ mọi ngành nghề để tạo nên sự an cư, thịnh vượng với suy nghĩ tự quyết của mình, bao gồm cả những người Việt nhọc nhằn khởi đầu cuộc đời trên đất Mỹ với nghề nail, mà vốn luôn bị sỉ nhục từ hệ thống tuyên truyền thân nhà cầm quyền.
Trong con số hơn $19 tỷ kiều hối về Việt Nam năm 2022, chắc chắn có không ít tiền từ “nail tộc” – một loại ngôn từ miệt thị vô cớ quen thuộc. Thậm chí là tiền dư dả của người nghỉ hưu, do không có ai trong số họ bị đánh thuế 10% tiền thất nghiệp hay về hưu như những người công nhân nghèo khổ ở quê nhà.
Giấc mơ Mỹ, như Quan Kế Huy hay Thompson Nguyễn, có nghĩa là có mơ ước và nỗ lực đúng hướng, bạn sẽ làm được mà không bị một rào cản nào về thân phận, chính trị hay tôn giáo. Điểm đến là một lựa chọn của bản thân mà không bị định hướng hay thao túng bởi bất kỳ quyền lực nào, mà chỉ là ý chí cá nhân tuyệt đối.
Trong một chuyến đi xe ôm thời công nghệ mới ở Sài Gòn, tôi nghe anh lái xe kể về cuộc sống chật vật nhưng đầy ước mơ của anh, là làm sao để mở được một cái trường nhỏ dành riêng các đứa nhỏ bị sứt môi đã được chữa lành. “Hoặc là một chỗ sinh hoạt chung cho những đứa như vậy”, anh nói. Giấc mơ đó xuất phát từ việc con anh bị sứt môi, dù được giải phẫu nhưng những vết tích nhỏ còn lại khiến nó luôn bị bạn bè đồng lứa chọc ghẹo. “Những đứa nhỏ cùng hoàn cảnh, tìm thấy nhau sẽ tự tin và trở thành người có tâm hồn tự nhiên mạnh mẽ trong xã hội”, người chạy xe ôm mà tôi không còn nhớ tên, nói.
Lúc chia tay, tôi hỏi anh là liệu khi nào anh làm được. Người đàn ông nhỏ tuổi hơn tôi, sạm nắng và tóc đã bạc, thú thật là anh không biết khi nào mới làm được nhưng mỗi khi nhìn con, anh cứ ước mơ vậy. “Thì mình cứ mơ thôi”, anh cười, và chạy xe đi.
Có một loại giấc mơ Việt được gọi tên ngay trên đất nước mình, nhưng đích đến sao nghe xa xôi quá. Khi nghe tin thời sự thông báo nghề chạy xe ôm công nghệ bị đánh thuế hàng ngày 30%, rồi cuối năm lại có thể bị đánh thuế thu nhập thêm 10%, tôi càng hiểu ước mơ của anh xa vời hơn bao giờ hết, khi bữa cơm hàng ngày bị cắt xén tàn tệ đến vậy. Giấc mơ Việt hôm qua ắt giờ đã đổi chiều, chỉ mong sao cho gia đình không thiếu hụt bữa cơm hàng ngày.
Một nghiên cứu của Đại học Princeton tìm thấy ngay cả con cái của những người nhập cư nghèo nhất của Hoa Kỳ rồi cũng trở thành tầng lớp trung lưu sau một hay hai thập niên.
Còn trên báo Lao Động tháng tư 2021, bài của tác giả Đào Tuấn có ghi là “Giấc mơ ngôi nhà và những đứa trẻ của công nhân, của dân nghèo trở nên ngày càng xa vời, khi nhà ở xã hội lọt tay những cán bộ đi xe tiền tỉ. Và khi giá nhà đất ngày càng cao, người lao động phải mất 28-30 năm tích lũy mới mua được”.
Thôi thì hãy để giấc mơ Mỹ và những câu chuyện thành đạt thần tiên xa vời đến và đi qua. Hãy nói đến giấc mơ Việt đầy thực tế vậy. Tôi nghĩ đến anh xe ôm với ước mơ thơm lành cho thế hệ mới, và chỉ biết cầu chúc cho anh – cũng như hàng triệu người Việt khác không đảng phái đang mơ – rằng có được tấm lòng tử tế với dân tộc mình, thì cũng là một giấc mơ Việt cao quý, dẫu tự do, tương lai và an toàn là những điều vẫn phải kiếm tìm ở hiện thực, có khi đến hết cả đời người.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Bình luận của blogger Tuấn Khanh
2023.03.19
(rfa )
No comments:
Post a Comment